Dù đã đi qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn miệt mài với những chuyến đi về miền Tây Nam bộ, mang bài thuốc bào chế từ Sâm thốt nốt đến cho người dân nghèo mắc bệnh nan y.
Hơn 5 năm qua, dấu chân ông đã in hằn trên biết bao vùng đất, mang đến niềm vui được sống khỏe cho những người mắc bệnh gan, thận, ung thư… Người ta gọi ông là vị cứu tinh của người nghèo.
Bài thuốc gia truyền 200 năm từ hoàng gia Campuchia
Sau nhiều lần lỡ hẹn vì ông bận rộn với những chuyến đi từ thiện về Đồng Tháp, cuối cùng chúng tôi cũng có một cuộc gặp ngắn ngủi với lương y Nguyễn Văn Dậu tại nhà riêng ở quận 7, TP.HCM. Trước hiên nhà, ông bố trí một xe đẩy nhỏ bán nước sâm thốt nốt, chỉ vào chiếc xe ông cười: “Đấy, tài sản tôi chỉ có thế thôi, chiếc xe đẩy bán nước sâm nấu sẵn với mấy gói sâm đã bào chế, ai muốn uống liền cũng có mà muốn tự mang về nấu cũng có”. Không ai ngờ rằng, ông đã bước qua tuổi 70, bởi ông vẫn tinh anh, nhanh nhẹn. Càng bất ngờ hơn khi được nghe ông kể về hành trình của bài thuốc gia truyền đã hơn 200 năm có nguồn gốc hoàng gia đã trị bệnh cho rất nhiều người này.
Hoàng thân Canpuchia chúc mừng ông Dậu
Lương y Nguyễn Văn Dậu sinh năm 1943 tại Camphuchia, ông ngoại ông là ngự y Phạm Văn Lào, làm việc trong hoàng gia Camphuchia cùng với con gái là lương y Phạm Thị Út (mẹ ruột ông Dậu- PV). Chia sẻ với PV về bài thuốc, ông Dậu cho hay: “Sâm thốt nốt là vị thuốc được bào chế từ trái thốt nốt cùng 12 vị thuốc khác, có tính năng giải độc, làm mát gan. Bài thuốc này ngoài trái thốt nốt rất dễ tìm trên đất Campuchia, còn lại là hơn 12 vị thuốc khác phải lên tận những vùng rừng thiêng nước độc mới có. Bây giờ, người dân phá rừng nhiều rồi nên việc tìm thuốc ngày một khó khăn hơn”.
Theo ông Dậu, dù là thuốc Tây, thuốc Bắc hay thuốc Nam, chỉ cần uống từ 1 -10 ngày là biết có trị được bệnh hay không. “Bài thuốc của tôi cũng vậy, người bệnh chỉ cần uống nhiều nhất là 10 ngày, nếu không thấy bệnh tình thuyên giảm thì phải bỏ ngay, tìm phương pháp khác để chữa trị. Nguyên nhân có thể do cơ địa của từng người, có người hợp, có người không hợp”, ông Dậu chia sẻ. Trong tất cả những lần cấp phát thuốc miễn phí của mình, ông cũng dặn bà con sau khi uống năm ngày thì đi khám một lần, sau 15 ngày thì đi xét nghiệm, nếu thấy bệnh tình giảm thì ông sẽ tiếp tục cho thuốc.
Ông Dậu cho biết thêm, hiện tại, ông vẫn lấy thuốc từ Campuchia, khoảng ba tháng một lần, ông lại lặn lội qua tận nơi, thuê người tìm cây thuốc, sơ chế, phơi khô rồi vận chuyển về Việt Nam. Ông bảo, phải tận mắt nhìn thấy cây thuốc, rồi coi sóc việc bào chế ông mới yên tâm. Hiện tại, hằng tháng ông vẫn xuống quê nhà An Giang trông coi cửa hiệu thuốc.
Ngoài các bệnh thông thường như viêm gan, thận, mật…, ông đều tìm tòi, nghiên cứu thêm nhiều bài thuốc chẩn trị các bệnh khó gặp bằng cách xổ độc trong cơ thể ra ngoài qua đường tiểu tiện. “Với đặc tính xổ độc cơ thể, bài thuốc này có thể điều trị các chứng liên quan tới gan cũng như ung thư, u nang buồng trứng. Tôi cũng bán thuốc nhưng với bệnh nhân nghèo thì hoàn toàn miễn phí, cái quan trọng là để bài thuốc này cứu được nhiều người…”, ông Dậu cười lớn rồi nói.
Tấm lòng của người đàn ông một đời hành thiện
Đến bây giờ, có một bí mật mà ít ai có thể biết được, đã có lúc, bài thuốc sắp bị thất truyền bởi hậu thế không ai chịu theo nghề của lương y Phạm Thị Út. Sau nhiều gian nan, cuối cùng ông Dậu cũng nối nghiệp mẹ, tiếp tục duy trì nghề bốc thuốc. “Nghề y không thể làm giàu và đừng ai mong làm giàu bằng con đường này, đã theo y thì chỉ có tâm huyết, có lòng mong muốn cứu người thôi”. Đó là tài sản duy nhất mẹ ông để lại, cùng với bài thuốc gia truyền mà ông thuộc nằm lòng từ ngày còn bé. Ông Dậu ngậm ngùi kể về cuộc đời mình và những ngày tháng khi mới bắt đầu thay mẹ duy trì tiệm thuốc ở quê nhà An Giang.
Lương y Nguyễn Văn Dậu
Là một người sống bằng nghề kinh doanh, cũng có hiểu biết về y học khi được mẹ truyền thụ nhưng ông Dậu lại không có ý định theo nghề y. Năm 1972, ông cùng vợ con lên Sài Gòn, ông mở một tiệm làm bình ắc quy nhỏ. Dần dà ông mở rộng thành công xưởng sản xuất lớn, mua thêm nhiều đất mở rộng kinh doanh. Năm 2006, một biến cố xảy ra làm thay đổi nhiều quyết định trong ông. Mẹ mất, ông về chịu tang bà tại quê An Giang. Trước những lời trăng trối của người mẹ già cả đời tâm huyết với phương thuốc gia truyền, cứu giúp biết bao người bệnh ông băn khoăn trước suy nghĩ, nếu ông không tiếp tục, phương thuốc quý sẽ bị mai một.
Khi đó, các con của ông Dậu cũng không ai chịu nối nghiệp cha tiếp tục quản lý công xưởng. Ở cái tuổi lục tuần, biết không thể vật lộn trên thương trường được nữa, ông quyết định bán xưởng ắc quy, dồn tâm huyết vào hiệu thuốc của mẹ. Ông Dậu kể lại: “Cái công xưởng trị giá tiền tỷ, tôi đành đứt ruột bán thanh lý với giá “sắt vụn”. Sau đó, tôi theo học khóa y học cổ truyền để lấy bằng hành nghề. Đến tháng 11/2008, tôi chính thức nhận bằng lương y do Trung tâm kế thừa ứng dụng y học cổ truyền Chợ Lớn cấp bằng công nhận”.
Tâm huyết với nghề, dù tuổi đã cao nhưng ông luôn tự lặn lội về các tỉnh miền Tây để tìm tòi, nghiên cứu các bài thuốc mới. Thấy những người dân bản địa cực khổ, bị bệnh nhưng lại không có tiền thuốc thang, ông đã cấp phát thuốc miễn phí cho họ. Ông còn hướng dẫn bà con lập bảng theo dõi tiến triển của bệnh tình để biết gia giảm liều lượng thuốc. “Các con trai rất ủng hộ khi tôi ngỏ ý đi về các tỉnh miền Tây làm từ thiện. Mỗi chuyến đi, mấy đứa nó lại hì hụi giúp tôi xếp thuốc thang, rồi vận chuyển, phân phát. Thấy chúng vậy, mình cũng mừng. Sau này, tôi không lo phương thuốc sẽ không có người kế thừa”. Hiện nay, các con trai của ông Dậu đều thay phiên nhau nấu nước sâm, giúp cha trong các công việc bốc thuốc, cấp phát thuốc. Làm người thầy thuốc, niềm vui lớn nhất là thấy người bệnh khỏe mạnh và phương thuốc của mình có thể chữa được thêm nhiều căn bệnh lạ. Ông Dậu cho hay: “Có một số người tìm đến tôi trong tình trạng bị bệnh viện trả về, sức khỏe yếu lắm. Tới đây, tôi đem gói sâm ra, bảo về đổ ba lít nước, đun đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa đúng 10 phút.
Sau đó, người bệnh uống khoảng nửa tháng. Người ta nghi ngờ, bởi bao nhiêu thuốc thang không khỏi nay cái lão này lại đem gói sâm này ra cho mình. Thế rồi cũng uống, coi như sự cố gắng cuối cùng. Không ngờ hơn tháng sau, họ quay lại cám ơn tôi vì sức khỏe đã khá hơn. Tôi nhớ nhất là một em nhỏ bị ung thư máu, xạ trị hết biết bao nhiêu tiền, cuối cùng phải tìm đến tôi. Cũng ngạc nhiên lắm khi thấy tôi đưa gói sâm bảo về uống. Nhưng mười mấy năm nay em không phải vào viện thay máu nữa, chỉ uống sâm hằng ngày thôi và vẫn khỏe mạnh… Đấy, người làm thầy thuốc thì chỉ mong có thế”.
Hỗ trợ điều trị HIV rất hiệu quả Thông tin từ Viện Y học cổ truyền TP. HCM cho biết, hiện tại lương y Nguyễn Văn Dậu đã phối hợp với Viện cấp phát thuốc miễn phí, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân, trong đó rất nhiều ca nhiễm HIV đang được điều trị bằng bài thuốc Sâm thốt nốt của ông Dậu. |