Về xứ sở trống đồng, gặp “ông kỷ lục Việt Nam”

congly.com.vn| 13/04/2012 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có thể nói, trống đồng đã trở thành biểu tượng của dân tộc, báu vật truyền đời, linh thiêng của người dân đất Việt. Sau hàng nghìn năm thất truyền, nghề đúc trống đồng ở Việt Nam mà cụ thể là Thanh Hoá đã được các nghệ nhân làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa vực dậy. Nghệ nhân Lê Văn Bảy đi vào sách kỷ lục Việt Nam về đúc chiếc trống đồng lớn nhất cả nư�

Nằm sâu trong một ngõ nhỏ, dinh cơ và xưởng sản xuất của anh Lê Văn Bảy lại đối lập hoàn toàn với con đường vào. Ngay từ phía ngoài, xưởng đúc trống đồng đang đỏ lửa, tiếng máy mài, tiếng đánh thẩm âm như khuấy động cả một vùng. Trong xưởng, người nhào đất, đắp khuôn, vẽ hoa văn... thật nhộn nhịp. Sinh năm 1966, anh Lê Văn Bảy là một trong những nghệ nhân đúc đồng trẻ tuổi nhất xã. Trong nhà anh bày đủ các loại lư hương, trống, lộc bình... Trên tường treo đầy bằng khen và dặc biệt là Giấy chứng nhận “XÁC LẬP KỶ LỤC số 714/KLVN 2009 ngày 23-8-2009, tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, trống đồng đúc theo phương pháp thủ công lớn nhất Việt Nam”.


Theo lời anh Bảy thì gia đình đã có nhiều đời theo đuổi nghiệp này. Trước anh là cụ Lê Văn Du, năm nay gần 90 tuổi. Hiện con trai Lê Văn Quý cũng đang được truyền lại các thủ thuật đúc đồng truyền thống. Anh Bảy tự hào nói: Hiện nay, không chỉ gia đình tôi mà nhiều xưởng đúc khác trong xã có thể chế tác được những chiếc trống gần như nguyên mẫu cả về họa tiết, hoa văn, độ ngân vang, trầm bổng như những chiếc trống cổ. Vừa thuyết minh, anh vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng, tất cả các công đoạn để làm nên một chiếc trống đồng đều làm thủ công. Từ chọn đất, phơi khô, giã nhỏ, nhào trấu, đắp khuôn, xe khuôn đều cần đến những người thợ có kinh nghiệm. Mỗi khâu đều phải đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt, chỉ cần sai sót nhỏ của bất kỳ phần nào, coi như mẻ ấy bỏ đi.

Theo nghệ nhân, trong các phần kể trên thì làm hoa văn cho trống đồng là công đoạn khó nhất. Cả xưởng đúc trống của gia đình có 5 công nhân chuyên nghiệp, nhưng chỉ một đến hai người làm được hoa văn. So với các loại hoa văn trên sản phẩm khác như chuông đồng, lư hương, lộc bình... thì nghệ nhân có thể tự sáng tạo, bay bướm, uốn lượn theo ý mình. Riêng đối với trống đồng phải làm theo mẫu hoa văn cổ. Các đường hoa văn vẽ trên mặt trống phải vừa nguyên dáng cổ nhưng đồng thời phải sắc nét, thanh thoát và tinh tế. Vì vậy, đòi hỏi người thợ phải đạt đến trình độ tinh xảo mới đảm nhiệm được công đoạn khắc hoa văn vào cốt trống.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy đang hoàn thiện trống đồng


Khi chúng tôi hỏi về việc anh từng lên sóng chương trình chuyện lạ Việt Nam qua câu chuyện đúc trống đồng lớn nhất cả nước, anh Bảy cười một cách hồn hậu. “Đó là một kỷ niệm không thể nào quên. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó để khẳng định việc khôi phục lại trống đồng cổ đã được các nghệ nhân làng Trà Đông đánh thức, gây dựng lại. Chiếc trống ấy đúng là một thử thách thực sự với mọi người. Đường kính mặt trống là 1,51m, đường kính tang trống 1,55m, đường kính đáy 1,54m, chiều cao trống 1,21m, tổng trọng lượng gần 600kg (trong đó đồng 400kg, thiếc 100kg, chì và các chất khác gần 100kg). Ban đầu, nhận được lời đề nghị của Bảo tàng Hoàng Long, tôi phải suy nghĩ mất nhiều ngày mới dám nhận lời. Hơn 30 người thợ theo dõi tỉ mỉ từng ly, từng tý một từ sáng sớm tới 10 giờ tối 26-10-2006 mới hoàn thành, trong tiếng reo hò của đông đảo người dân chứng kiến. Đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Bằng kinh nghiệm riêng, anh Bảy có thể nhìn màu sắc của sản phẩm mà biết được các hợp chất tạo ra nó. Thông thường một chiếc trống đồng tiêu chuẩn thì họa tiết, hoa văn, âm vang và độ dày, mỏng giữ vai trò quyết định. Để giữ đúng màu sắc trống cổ thì cần phải nắm chắc công thức pha chế tỉ lệ đồng, thiếc, chì, kẽm một cách hợp lý.


Để tạo ra một chiếc trống đầy đủ hoa văn, đường nét, nhìn bắt mắt, khó phân biệt với các trống cổ không khó nhưng điều cốt yếu nằm ở chất lượng âm thanh. Thợ nhiều nhưng ít ai có đủ trình độ thẩm âm để đánh giá một cách chính xác nhất chất lượng của nó. Trống đồng là để đánh chứ không phải để trưng bày. Chỉ khi đánh trống lên mới thể hiện sự âm vang, thể hiện nét văn hoá, hào khí của dân tộc. Liệu sau này, có mấy ai có thể cảm nhận được âm vang hào khí ấy không? Đó chính là sự trăn trở lớn nhất của người tâm huyết với nghề đúc trống đồng như nghệ nhân Lê Văn Bảy.


Thanh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về xứ sở trống đồng, gặp “ông kỷ lục Việt Nam”