Về việc xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam (kỳ 4)

Mai Thoa| 16/03/2014 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều chuyên gia nhận định, việc thành lập các Tòa chuyên trách để xét xử những vụ án hình sự, hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên là phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp hiện nay.

Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề cập đến nội dung: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện bộ máy tổ chức và hoạt động của TAND”; đồng thời, việc thành lập Tòa chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp Tòa, từng khu vực…”. “Việc giảm nhẹ hình phạt tù và áp dụng hình thức phạt tiền, phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đối với đối tượng là người chưa thành niên. Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý NCTN phạm tội…”.

Do đó, việc Tòa chuyên trách để giải quyết những vụ án liên quan đến GĐ&NCTN là một yêu cầu khách quan. Trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam đang chịu tác động nhiều chiều, tạo nên hệ quả không lường cho mọi gia đình. Vòng xoáy của cuộc sống hiện đại làm cho một bộ phận giới trẻ bị suy thoái đạo đức. Sự tác động bởi mặt trái cơ chế thị trường đã tạo ra lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, coi thường đạo đức gia đình truyền thống. Tình trạng xuống cấp về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách trong xã hội dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra nghiêm trọng, trong đó, đối tượng vi phạm pháp luật trong tuổi vị thành niên tăng cao. Trong khi đó, đặc điểm của NCTN là người chưa phát triển đầy đủ về tâm, sinh lý, chưa thể nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình đã thực hiện…

Về việc xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam (kỳ 4)

Pháp luật cần có quy định đặc thù đối với người chưa thành niên

Về quan điểm xử lý NCTN phạm tội đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật, cụ thể về pháp luật hình sự không chỉ coi NCTN phạm tội là đối tượng cần trừng trị mà còn coi họ là nạn nhân của môi trường xã hội không lành mạnh. Chính vì vậy, khi xử lý hình sự đối với những đối tượng này, cần phải xem xét, cân nhắc trong quan hệ hai mặt. Họ vừa là chủ thể của hành vi phạm tội, vừa là nạn nhân của môi trường xã hội. Việc xem xét trách nhiệm pháp lý của họ  luôn phải đặt trong mối quan hệ với trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Mục đích của việc xử lý NCTN có hành vi nguy hiểm cho xã hội là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, trong đó có việc thành lập Tòa GĐ&NCTN, TANDTC đã xây dựng đề án này và nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao của nhân dân và các cơ quan chức năng. Theo đo, việc thành lập Tòa GĐ&NCTN là để Tòa án có điều kiện giải quyết tốt hơn những vụ án liên quan đến hai nhóm đối tượng là gia đình và người chưa thành niên. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xét xử những vụ án hình sự, dân sự (hôn nhân và gia đình) của các Tòa án còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân được kể đến là chưa có có Thẩm phán chuyên trách (chúng tôi đã đề cập kỹ ở bài trước). Pháp luật hiện hành đang quy định Tòa Hình sự xét xử những vụ án hình sự bao gồm cả những bị cáo là NCTN, Tòa Dân sự xét xử những vụ án dân sự bao gồm cả án hôn nhân gia đình. Theo quy định này thì Tòa án khó có thể phân công Thẩm phán, Hội thẩm chỉ chuyên xét xử những vụ án liên quan đến NCTN. Để làm tốt vấn đề này thì cần thành lập các Tòa chuyên trách để xét xử những vụ án hình sự, dân sự liên quan đến NCTN và đây cũng là yêu cầu khách quan nhằm nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án về những nhóm đối tượng này.

TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, ông rất đồng tình với mô hình Tòa GĐ&NCTN trong đề án của TANDTC đưa ra. Trên tinh thần mô hình Tòa án này phải gắn với việc tổ chức hệ thống TAND theo tinh thần CCTP. Tòa GĐ&NCTN không phải “Tòa đặc biệt”, không phải một hệ thống Tòa án độc lập, mà theo tinh thần CCTP, Tòa GĐ&NCTN chỉ là một Tòa trong TAND cấp cao, cấp tỉnh và cấp sơ thẩm khu vực. Tòa GĐ&NCTN sẽ có thẩm quyền xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình và NCTN theo quy  định của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự…

Và, để thành lập hệ thống Tòa này cần phải sửa đổi hệ thống luật có liên quan như Luật về tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và Luật Tổ chức TAND… để làm cơ sở pháp lý cho Tòa GĐ&NCTN hoạt động. Đồng thời, cần nêu rõ việc tổ chức lao động trong Tòa GĐ&NCTN, tránh tình trạng sau khi thành lập hệ thống Tòa này rồi, việc tổ chức xét xử vẫn được chia thành hai bộ phận, một bộ phận xét xử về hôn nhân gia đình, một bộ phận xét xử NCTN phạm tội thì sẽ không đạt được mục đích cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về việc xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam (kỳ 4)