Tháng 6, miền Trung nắng rã rời. Trời nắng đến nỗi ý nghĩ vừa mới vụt lên đã bị hong cho giòn rụm, từ sáng đến chiều rặt khói nắng quánh quéo, lờ vờ trôi trên những bóng người.
Ngồi trong xe, anh Chắt, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND tỉnh Nghệ An cười bảo: "Chú muốn xem "phiên tòa đặc biệt" thì phải chịu khó, chịu khổ chứ. Ở đây còn đỡ, lát lên đến biên giới nắng nóng còn dữ dội hơn nhiều!". Tôi không biết nói gì hơn bằng việc ngồi im, chờ đợi...
Những "khán giả bất đắc dĩ"
Quả thật, đúng như lời anh Chắt nói, suốt chặng đường gần 200km từ TP. Vinh lên đến Kim Sơn, thị trấn của huyện miền núi Quế Phong, càng đi càng thấy nóng. Dù bác tài đã bật máy lạnh hết công suất, tôi vẫn thấy mồ hôi re rắt chảy trong người. Bên ngoài, bụi bay mù mịt. Anh Chắt kể, mấy năm gần đây, cứ đến tháng 6, tháng cao điểm phòng chống ma túy, anh em trong TAND tỉnh Nghệ An lại đi xét xử lưu động ở một số xã, bản vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện vùng cao biên giới như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương. Án chủ yếu là ma túy, bị cáo phần lớn là người dân tộc thiểu số như Mông, Thanh, Thổ, Thái. Đợt này, TAND tỉnh phối kết hợp với TAND huyện Quế Phong tổ chức xét xử 6 vụ ở hai địa điểm, trong đó có 5 vụ ma túy, 1 vụ buôn bán người.
Đường lên Quế Phong cong cua, dốc dác, nhiều đoạn bò ra sát mép vực. Sát đến nỗi có cảm giác chỉ cần thò tay qua cửa xe, thả hòn đá xuống cũng nghe được tiếng lăn lạch cạch của nó rất lâu. Chỉ khổ mấy chị em trong đoàn, ai cũng say như lên đồng, nôn thốc nôn tháo, mắt môi bợt bạt. "Đi nhiều nên quen, chứ mấy lần đầu đi đường này, tôi nôn ra chỉ thiếu mỗi... ruột", bác Minh, Hội thẩm nhân dân của Tòa án tỉnh Nghệ An nhớ lại. Trầy trật mãi rồi đoàn cũng lên đến Kim Sơn, ăn tối qua loa rồi ai về phòng nấy...
5 giờ sáng hôm sau, khi sương mù vẫn còn chạy luễnh loãng, phủ kín thị trấn Kim Sơn, anh em trong đoàn đã í ới gọi nhau trở dậy. "Đi sớm để còn kịp chuẩn bị Hội trường xét xử", anh Võ Thạch Hùng, Chánh án huyện Quế Phong, giải thích. Không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, người khiêng vành móng ngựa, người ôm phông bạt, loa đài chất lên thùng chiếc ô tô bán tải được thuê từ chiều hôm trước. Xong đâu đấy, cả đoàn leo lên xe, lầm lũi tiến đi. Cả thị trấn biên viễn vẫn chìm trong giấc ngủ.
Các bị cáo Thành, Cừ và Thân
"Sáng nay xử vụ mua bán trái phép chất ma túy, tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội huyện Quế Phong. Ba bị cáo trong vụ án này là Lê Ngọc Thành, SN 6/11/1979, quê xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Trịnh Văn Cừ, SN 7/8/1978, quê ở xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và Lô Văn Thân, SN 1/7/1993, người dân tộc Thái, quê ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An", anh Chắt chia sẻ.
Chuẩn bị Hội trường xét xử xong, đúng 8 giờ sáng, phiên tòa được bắt đầu. Điều làm tôi ngạc nhiên là khắp hội trường, từ trên xuống dưới, từ phải qua trái rặt một màu áo xanh của học viên. Những “khán giả bất đắc dĩ” đó, 100% là “con nghiện”, hiện đang cai tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội huyện Quế Phong. Trong số học viên này, người ít thì vài năm, người nhiều có thâm niên đến cả chục năm làm bạn với “ả phù dung”. Thậm chí, có người đã từng “nhét” hết cả nhà cửa, ruộng vườn, đất đai hương hỏa của cha ông để lại vào trong bàn đèn, nõ điếu.
Quá khứ của học viên lầm lạc là thế, giờ muốn thức tỉnh, muốn giác ngộ họ thì liệu có biện pháp nào tốt hơn việc cho họ ngồi nghe HĐXX luận tội những kẻ từng một thời là “bạn nghiện” của mình? Chả thế, ngay sau khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, không chỉ bị cáo mà ngay cả những học viên ngồi xem phía dưới cũng “toát mồ hôi hột”, dù quạt trần rú rít trên đầu. Có lẽ, đối với những thành phần nghiện “bẹp tai” như thế, chả có cách giáo dục ý thức pháp luật nào tốt hơn những phiên tòa như vậy. Bản án càng nghiêm khắc bao nhiêu thì tính răn đe, giáo dục càng cao.
Bấy giờ, tôi mới hiểu cái ẩn ý sâu xa của anh em trong TAND tỉnh Nghệ An cũng như TAND huyện Quế Phong. Cũng chỉ vì muốn cứu vớt những kẻ bập vào “cơm đen” và ''cái chết trắng''", các anh đã phải vượt đèo, leo dốc hàng trăm cây số đường rừng về đây để tổ chức "phiên tòa đặc biệt" này. Anh Chắt bảo: "Đó là còn mượn được Hội trường của Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội huyện, chứ nhiều khi vì nhiệm vụ, anh em phải “mang cả phiên tòa vào bản”. Băng rôn, phông bạt, khẩu hiệu cuộn lại, vài anh cán bộ trẻ “cõng” qua rừng qua núi rồi kiếm một bãi đất trống, sau đó mới đào hố, chôn cột dựng lên thành “Hội trường xét xử”. Hôm nào trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ nếu lỡ giông gió bất kỳ thì sự khó khăn, vất vả chẳng bút nào tả xiết".
Trách nhiệm với cộng đồng
Trong tất cả các bị cáo thì chỉ mình Thân có người nhà đến tham dự phiên tòa. Đó là bà Lô Thị M, cô ruột của Thân. Bà M, 61 tuổi, người gầy nhẳng, đen như thanh củi rừng vừa đốt. Để "nhìn được mặt thằng cháu trước khi nó đi tù", người đàn bà Thái ấy đã phải cuốc bộ gần chục cây số đường rừng đến đây từ chiều hôm trước, rồi ngủ nhờ nhà người quen. Từ đầu đến cuối buổi xét xử, bà ngồi co mình ở một góc hành lang, gối chạm cằm. Mỗi lần thấy Thân trả lời câu hỏi của HĐXX, bà lại chống gối, vịn tường đứng dậy ngó vào hội trường để nhìn mặt cháu. Xong, lại buông mình xuống khóc.
"Khổ, nhà có mấy người đàn ông thì nghiện cho bằng hết!", bà M than. "Vậy đã có ai cai được chưa bà?", tôi hỏi. "Chưa, thằng Thân với hai đứa con tôi, tất cả 3 đứa đều thèm ma túy hơn thèm cơm. Giờ, có mỗi ông nhà tôi là không hút nữa". "Ông nhà mình cai được à?". "Không, nó chết rồi. Nằm chân núi kia kìa!". Quả thật, có trăm thứ ma quỷ trên đời này, nhưng ma túy là “con ma” đáng sợ nhất, nhiều người chỉ thực sự từ bỏ được nó khi lìa xa cõi sống.
Ngồi ở hàng ghế cuối cùng trong Hội trường xét xử, Lô Văn Sủng, 27 tuổi, người dân tộc Thái ở xã Thông Thụ, Quế Phong, chốc chốc lại đưa tay áo quệt mồ hôi. Sủng nghiện. Nghiện từ khi mới 17 tuổi. “Những ngày mới vào đây "cai", em "vật" quá, chả ăn được cái gì. Đứng không được, mà ngồi, nằm cũng không được, chỉ biết giãy đành đạch, cứ như người bị phát điên. Toàn thân lạnh như ướp đá, nhưng mồ hôi lại chảy ròng ròng, nước mắt nước mũi giàn giụa. Mọi thứ nhớ nhớ, quên quên bất chợt. Khóc ầm ỹ rồi lại cười đập phá. Không ai xiềng xích mình, nhưng luôn có cảm giác bị tra tấn bởi xích sắt, roi vọt, xương đau như có ròi bọ rúc vào. Mấy tuần liền, ngày nào em cũng phải dùng thuốc cắt cơn, cuối cùng cũng đỡ. Giờ em tăng được gần 7kg so với ngày mới vào", Sủng kể.
Khi nghe HĐXX tuyên phạt Lê Ngọc Thành, Trịnh Văn Cừ và Lô Văn Thân với mức án lần lượt là 20 năm, 15 năm và 2 năm tù, Sủng và mấy học viên ngồi xung quanh lộ rõ vẻ run sợ. Tôi hỏi Sủng: "Sợ không?". Sủng thật thà: "Sợ chứ anh, 15-20 năm ở tù thì còn gì là đời nữa!". "Sau này cai xong, em có nghĩ mình sẽ quay lại với ma túy, có tái nghiện không?", "Không đâu. Tại ngày xưa em còn trẻ, đua đòi với chúng bạn thì hút, chứ giờ biết tác hại của ma túy rồi, phải cai thôi. Mà muốn hút cũng chả có tiền. Lại trộm cắp hoặc buôn bán ma túy như mấy thằng kia để đi tù à? Sợ lắm, không tái nghiện đâu!", Sủng quả quyết.
Chả cứ gì Sủng, cả mấy học viên ngồi gần đó khi tôi hỏi đều có câu trả lời na ná giống nhau như vậy. Không biết rồi đây, những "khán giả bất đắc dĩ" này sẽ có bao nhiêu người đủ niềm tin và quyết tâm để đoạn tuyệt được với ả phù dung. Song, có một điều dễ dàng nhận thấy là "phiên tòa đặc biệt" này đã tác động rất lớn đến suy nghĩ, nhận thức của những kẻ một thời lầm lỡ. Anh Chắt bảo: "Trong sâu thẳm trái tim mỗi học viên ở đây, dù quá khứ của họ có tội lỗi và cuồng quay với ma tuý bao nhiêu đi chăng nữa, thì họ vẫn còn là một con người. Hãy giúp họ đánh thức phần Người trong họ. Tôi vẫn luôn tin và rất tin rằng, nếu được đánh thức đúng cách, đúng thời điểm thì dù có đớn đau, khổ ải đến nhường nào, họ cũng sẽ lột xác để tìm đến những lối về trong sáng hơn".
Và tôi, người viết bài này cũng tin rằng, nếu tất cả chúng ta, cùng với những cán bộ Tòa án như anh Chắt đều có cái nhìn rộng lượng, bao dung, đồng cảm với những người đã từng một thời lầm đường lạc lối, đặc biệt là người nghiện ma túy như thế thì nẻo về của họ sẽ gần hơn, không còn thăm thẳm. Xã hội vì thế mà cũng giảm đi rất nhiều những nỗi đau.