Chúng tôi về làng Luận Văn, xã Thọ Xương (Thanh Hóa), nơi có dòng bưởi đỏ tiến vua nức tiếng trong lịch sử, giờ đây đang được những người nông dân hồi sinh trước nhu cầu cao về sản vật bưởi giàu nét văn hóa tâm linh của người Việt.
Sản vật quý “tiến vua”
Theo những người dân làng Luận Văn, giống bưởi đỏ được trồng tại làng từ bao đời nay. Giống bưởi này được xem là sản vật quốc gia từ thời Hậu Lê và được cung tiến cho vua vào mỗi dịp Tết.
Tương truyền rằng, sở dĩ bưởi Luận Văn được chọn để “tiến vua” là vì khi chín, quả bưởi chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi có màu đỏ rất đẹp mắt, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng. Chính màu đỏ đặc trưng này khiến cho quả bưởi Luận Văn được xem là một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc.
Người dân quyết tâm bảo tồn và phát triển sản vật quê hương
Ngoài giá trị thuần túy là loại “trái cây ngon”, giống bưởi này còn có giá trị văn hóa, tâm linh rất ý nghĩa. Bởi vậy, người dân sử dụng bưởi đỏ Luận Văn để thờ cúng trong dịp Tết đến, Xuân về như một truyền thống của vùng. Điều thú vị là, nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng trời, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết, cùng với các sản phẩm khác như quả bòng, phật thủ… Nhiều người cũng thích sử dụng bưởi Luận Văn để làm quà biếu vì tuy giá trị vật chất không lớn nhưng ý nghĩa văn hóa và tinh thần thì rất đáng quý.
Các bậc cao niên trong làng cho biết, từ những năm 1960, làng Luận Văn đã xây dựng vườn cây chuyên trồng cam, bưởi và một số loại cây ăn quả khác trên diện tích 2,5ha và giao cho các cụ già trong làng chăm sóc, gọi là “vườn cây Bác Hồ”. Giống bưởi lấy từ vườn của các hộ trong làng đã cho thu hoạch và chuyển về xuôi bán cùng những cành giống. Năm 1979, bưởi Luận Văn còn được chuyển ra trồng ở lăng Bác Hồ. Sau đó, do nhiều yếu tố, vườn trồng bưởi Luận Văn không được duy trì, mỗi hộ chỉ còn lại vài gốc cây giống.
Trải qua thời gian dài dường như mai một, thấy được giá trị to lớn của sản vật quý giá này, những năm gần đây, lãnh đạo xã Thọ Xương cùng với người dân làng Luận Văn đang đẩy mạnh khôi phục và nhân rộng giống bưởi này.
Bảo tồn và phát huy giống bưởi quý
Qua cổng làng cổ Luận Văn đã bạc màu thời gian, chúng tôi được nhiều người dân giới thiệu đến nhà ông Nguyễn Văn Khảm, 78 tuổi, ở thôn Luận Văn 1, một gia đình nổi tiếng trong làng qua nhiều thế hệ trồng bưởi.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi nặng trĩu quả, ông say sưa kể về lịch sử, kinh nghiệm trồng và hiệu quả kinh tế mà giống bưởi quý này đem lại. Hiện vườn nhà ông đã có 60 gốc bưởi đang cho quả, mỗi gốc từ 20-30 quả. Ông Khảm cho biết, để trồng được giống bưởi Luận Văn không chỉ là kinh nghiệm mà còn đòi hỏi phải làm theo đúng quy trình khoa học - công nghệ. Bưởi Luận Văn được trồng theo hai cách: Chiết cành và ghép cành. Đối với bưởi chiết cành, từ lúc trồng đến năm thứ 3 có thể thu hoạch quả, còn đối với bưởi ghép thì sang năm thứ 4 mới thu hoạch. Giá bưởi bình thường khoảng 60.000 đồng/quả, nhưng đến những ngày giáp Tết, giá bán lên đến 100.000 - 150.000 đồng/quả. Giống bưởi này vừa mang lại thu nhập cho gia đình, vừa góp phần lưu giữ sản vật quê hương, gia đình ông quyết tâm phát triển giống bưởi quý để con cháu mình đời sau còn được biết đến.
Là thế hệ mới tiếp nối cách trồng bưởi Luận Văn, gia đình anh Lê Viết Huấn (ở thôn Luận Văn 2) mới trồng cách đây 4 năm nhưng lại có vườn bưởi giá trị nhất xã Thọ Xương. Anh Huấn chia sẻ: Cùng với việc học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi của những bậc cao niên trong làng cũng như tiếp thu những kỹ thuật mới đã giúp gia đình anh tạo được giống bưởi ghép, trái to, đẹp và giá thành cao.
Hiện nay, bưởi Luận Văn được trồng chủ yếu tại thôn Luận Văn 1, Luận Văn 2 của làng Luận Văn (xã Thọ Xương) với diện tích khoảng 10ha, ngoài ra còn được nhân rộng ở các thôn, xã lân cận thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Xương cho biết: Bưởi Luận Văn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và ngày càng được nhiều người trên khắp đất nước biết đến. Với chính sách hỗ trợ hiệu quả của huyện và tỉnh sẽ khuyến khích các hộ trồng bưởi mở rộng diện tích. Đây là tiền đề quan trọng để xã Thọ Xương nói riêng và huyện Thọ Xuân nói chung hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, nhằm bảo tồn và phát huy bưởi Luận Văn.
Cho đến nay, cùng với sự hồi sinh cho giống bưởi quý “tiến vua” tại vùng đất Thọ Xương, Thọ Xuân, ngày càng có nhiều người trên khắp mọi miền đất nước biết đến dòng bưởi này bởi hương vị, màu sắc đặc trưng và nét văn hoá tâm linh riêng biệt của vùng đất nơi đây.