Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.
Theo Nghị quyết số 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội “Về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính”, thì riêng các quy định liên quan đến việc Xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định áp dụng có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều quy định mới về hình thức Xử lý, thẩm quyền Xử lý vi phạm hành chính, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Tòa án có thẩm quyền quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính là quy định về các biện pháp Xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định. Tại Phần thứ ba Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định có 4 biện pháp Xử lý hành chính, bao gồm: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 89); biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91); biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93); biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95). Trong đó, “Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” (khoản 2 Điều 105). Theo quy định tại Điều 106 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì:“Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Ảnh minh họa
Việc chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ Chủ tịch UBND sang TAND là nội dung thay đổi rất lớn so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trước đây, phù hợp với xu hướng tiến bộ, dân chủ hiện nay. Việc giao Toà án quyết định áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính nêu trên theo thủ tục tư pháp sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo đảm dân chủ, khách quan, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Xét về bản chất thì các biện pháp Xử lý hành chính do Tòa án xem xét, quyết định áp dụng là những biện pháp mang tính cưỡng chế nhà nước, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền của người chưa thành niên.
Người bị áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính này ít nhiều bị hạn chế tự do và một số quyền lợi khác, vì vậy, việc áp dụng các biện pháp này cần phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công khai, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6- 2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
Tăng cường tính công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đơn phương quyết định của các cơ quan hành chính
Nhìn từ góc độ phân công quyền lực nhà nước thì việc phán xét về hành vi vi phạm pháp luật và áp dụng chế tài Xử lý đối với người vi phạm, trong đó có cả việc áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính giao cho TAND thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đơn phương quyết định của các cơ quan hành chính trước đây là cần thiết. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/ TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Đồng thời, việc giao thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính sẽ giúp khắc phục một số tồn tại sau:
Việc Xử lý hành chính người chưa thành niên vi phạm pháp luật không chỉ phụ thuộc rất nhiều vào khâu ra quyết định của chính quyền cơ sở mà còn phụ thuộc rất nhiều vào khâu thủ tục áp dụng và tổ chức thi hành. Trong khi các thủ tục hình sự quy định chặt chẽ thì thủ tục áp dụng các biện pháp hành chính chịu ảnh hưởng rất lớn của nếp làm việc và hoàn cảnh, bộ máy hành chính của từng địa phương nên sự qua loa, chiếu lệ hay bỏ qua vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó việc phân bổ nguồn lực cho việc Xử lý hành chính còn rất nhiều khó khăn, điều kiện vật chất thiếu thốn (đa số các địa phương hiện nay chưa xây dựng được nhà tạm giữ hành chính riêng, không có kinh phí cho việc tổ chức các chương trình trợ giúp trẻ em vi phạm pháp luật). Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội có liên quan trong việc Xử lý hành chính người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn nhiều điểm hạn chế.
Sự tham gia của Hội đồng tư vấn mang tính hình thức (qua khảo sát cho thấy một số địa phương không thực hiện họp mà cơ quan chủ trì lập hồ sơ sau đó đưa đến các thành viên để lấy chữ ký), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét ra quyết định trên cơ sở hồ sơ được gửi đến mà không có sự gặp gỡ hay trao đổi hai chiều với người bị áp dụng biện pháp Xử lý hành chính. Điều này chưa đáp ứng được các yêu cầu về công khai,minh bạch, dân chủ trong quá trình áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính. Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật nếu phát sinh những tranh chấp pháp lý, khiếu kiện về quyết định Xử lý vi phạm hành chính tại thành phố thì sẽ có nhiều điểm không thuận lợi do không đúng thẩm quyền.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định về các biện pháp Xử lý hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ mới, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã giao cho Tòa án xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính. Đây là một vấn đề hoàn toàn mới, mang tính đột phá trong pháp luật Việt Nam. Sự thay đổi về thẩm quyền này dẫn đến sự thay đổi lớn về quy trình áp dụng. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính này lại chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mà vấn đề này Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định. Cho nên, việc xây dựng dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp Xử lý hành chính tại TAND là rất cần thiết đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn; bảo đảm việc xem xét, quyết định của Tòa án được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công bằng, minh bạch, bảo đảm khách quan, chính xác; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quyền con người, trong đó có quyền của người chưa thành niên.
Còn nữa