Phàm một khi bỏ tài sản ra cho người khác vay mượn nhưng mãi vẫn không thu hồi được thường sốt ruột, bực bội và muốn tìm mọi cách để lấy nợ. Chính từ tâm lý này đã có không ít câu chuyện buồn khi chính người "làm phúc" lại phải... ngồi tù.
Đây là bài học cho nhiều người về cách ứng xử trong cuộc sống và cũng là lời cảnh báo về thực trạng hạn chế trong nhận thức pháp luật của một bộ phận, nhất là thanh niên.
Đứng trước vành móng ngựa là Nguyễn Khải Hoàng (SN 1981, trú Q.4, TP HCM), Phan Chí Hoàng (SN 1988) và Bùi Quốc Hoàng (SN 1980, cùng trú TP Đà Nẵng) bị VKS truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Theo bị cáo Khải Hoàng trình bày, do trước đó anh Võ Trung Trực (1974, quốc tịch Mỹ) có vay mượn của bị cáo số tiền 800 USD (tương đương 180 triệu đồng), qua nhiều năm nhưng anh Trực không chịu trả mà chỉ hứa hẹn.
Trong một lần về nước gần đây, bị cáo bắt gặp anh Trực lưu trú tại TP Hồ Chí Minh nên gặp và yêu cầu trả nợ. Lần này anh Trực vẫn không có tiền để trả nên bị cáo yêu cầu “cấn” 1 sợi dây chuyền trị giá 20 triệu đồng.
Các bị cáo tại tòa
Bị cáo trình bày thêm, ngày 4/4/2017, khi bị cáo ra Đà Nẵng thăm gia đình thì phát hiện anh Trực đi trên đường Bạch Đằng nên đã gọi điện cho Chí Hoàng và Quốc Hoàng đến. Tại đây, bị cáo thấy anh Trực sử dụng xe máy SH 150i, qua tìm hiểu biết được xe này là do anh Trực mua mà có. Nghĩ rằng, tiền nợ thì không chịu trả lại dùng tiền đi mua xe nên bị cáo rất bực.
Khi thấy bị cáo, anh Trực sợ làm ồn nên đề nghị bị cáo đi tìm quán cà phê để nói chuyện, vậy là các bị cáo cùng anh Trực đến quán nước mía và đề nghị ghi giấy nợ 180 triệu đồng.
Theo bị cáo Khải Hoàng việc lấy chiếc xe SH 150i của anh Trực là để hôm sau anh Trực mang tiền trả thì sẽ trả xe. Đồng thời, bị cáo Khải Hoàng cũng khẳng định, không hề hăm dọa, khống chế như lời khai của bị hại.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội là vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên lấy xe của anh Trực mang về nhà, nhưng bị cáo không thừa nhận giá trị chiếc xe theo định giá được nêu trong cáo trạng.
Hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ, tuy nhiên về vấn đề giá trị của chiếc xe SH nói trên lại là vấn đề tranh cãi nhiều nhất tại tòa. Theo bị cáo, chiếc xe được định giá hơn 234 triệu đồng là “phi thực tế”. Vì thời điểm mua xe mới năm 2015 cũng chỉ hơn 160 triệu đồng vậy tại sao sau một thời gian sử dụng lại có giá cao như vậy.
VKS và HĐXX đã giải thích cho bị cáo rằng, định giá tài sản được thực hiện tại thời điểm bị cáo phạm tội, có nghĩa là theo giá của năm 2017 chứ không phải 2015. Chiếc xe SH 150i là xe nhập khẩu và từ năm 2012 loại xe này đã không còn nhập khẩu nên giá xe sẽ thay đổi. Quá trình giám định, được thực hiện trên tang vật thu giữ được (tài sản thực tế), có nhiều cơ quan chức năng trong đó có cả Sở GTVT tham gia giám sát.
Mặc dù được HĐXX và VKS giải thích rõ ràng, song bị cáo Khải Hoàng vẫn không chấp thuận giá xe theo định giá và đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo về nội dung này.
Bị cáo Chí Hoàng và Quốc Hoàng lại cho rằng, việc truy tố các bị cáo tội “Cưỡng đoạt tài sản” là không đúng. Các bị cáo chỉ là vô tình đi theo, giữa các bị cáo và anh Trực không hề có mâu thuẫn hay nợ nần gì, quá trình anh Trực viết giấy nợ với bị cáo Khải Hoàng không hề bị các bị cáo thúc ép.
Riêng bị cáo Chí Hoàng cho rằng, việc mình tắt khóa xe máy của anh Trực khi đứng trên đường là vì sợ anh Trực tông vào Khải Hoàng. Cả hai bị cáo đều cho rằng mình không phạm tội mà chỉ… đi theo. Cũng vì thiếu hiểu biết nên nhận thức của các bị cáo cho rằng người vay nợ thì phải trả nợ, việc bị cáo đi theo Khải Hoàng chỉ là tiện đường được Khải Hoàng mời đi nhậu, nên không có gì là vi phạm pháp luật.
Theo các bị cáo nghĩ, chỉ có đi theo “cho vui”, không uy hiếp, không lấy bất cứ thứ gì của bị hại nên không vi phạm pháp luật mà không biết trong vụ án này hai bị cáo là đồng phạm cùng với Khải Hoàng.
Vụ án kết thúc với mức án Khải Hoàng 4 năm tù, Chí Hoàng 3 năm tù và Quốc Hoàng 3 năm 6 tháng tù mà TAND TP Đà Nẵng tuyên ngày 30/8 không chỉ là bài học dành riêng cho các bị cáo, mà còn cho không ít người trong cuộc sống vì xung đột lợi ích, nợ nần vay mượn... vì không hiểu biết pháp luật hoặc thiếu kiểm soát mà có cách ứng xử, hành vi gây hại đến người khác hay bản thân mình, nặng hơn là vi phạm pháp luật với những mức độ khác nhau.
Hành vi của các bị cáo sẽ bị trừng trị theo quy định của pháp luật là điều hiển nhiên, song qua đây người dân cũng cần phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời báo tin cho cơ quan chức năng khi có sự việc xảy ra, tránh trường hợp vì lo sợ mà đáp ứng theo yêu cầu của kẻ xấu đưa ra trở thành bị hại một cách bất đắc dĩ.