Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887) là một trong những cuộc đấu tranh lớn và tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX..
Di tích lịch sử Ba Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1992 nhưng qua thời gian, di tích này đã xuống cấp cần được đầu tư để thế hệ sau nhớ về một thời cha ông đã oanh liệt đứng lên chống áp bức, cường quyền để đòi độc lập, tự do.
Di tích lịch sử Ba Đình
Theo tài liệu ghi lại, đầu thế kỷ XV chế độ phong kiến Việt Nam dẫn đầu đi vào giai đoạn khủng hoảng, suy vong và trở thành miếng mồi ngon của các nước tư bản phương Tây đang khao khát thuộc địa. Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn bạc nhược đã không thể chống lại được tư bản Pháp buộc phải liên tiếp ký các hòa ước xác nhận quyền đô hộ lâu dài của Pháp ở Việt Nam, nước ta trở thành thuộc địa nửa phong kiến của thực dân Pháp. Lúc này, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp dã man các sỹ phu yêu nước và dân thường khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều làng mạc trên đất nước ta bị tàn phá, nhân dân điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang, cuộc sống nhân dân đói rách, lầm than. Phong trào Cần Vương chống Pháp bùng nổ do các sỹ phu trí thức lãnh đạo lan rộng khắp nơi trong cả nước và Thanh Hóa là nơi diễn ra sôi sục nhất.
Tháng 3 năm 1886 các lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa tổ chức cuộc họp tại Đồng Biên (Bồng Trung nay thuộc xã Vĩnh Tâm, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bàn kế hoạch chống Pháp. Hội nghị đã quyết định giao cho Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt phụ trách xây dựng căn cứ Ba Đình ở vùng đồng bằng phía bắc huyện Nga Sơn. Căn cứ Ba Đình là nơi bảo vệ cửa ngõ miền Trung và là bàn đạp tỏa ra đánh địch ở đồng bằng.
Ba Đình nằm ở phía Tây Bắc huyện Nga Sơn, gồm ba làng là: Thượng Thọ, Mỹ Khê, Mậu Thịnh nằm liền nhau. Mỗi làng có một ngôi đình và có chung một ngôi nghè. Ba Đình nằm giữa cánh đồng chiêm trũng và hai con sông là sông Hoạt, sông Chính Đại biệt lập với khu dân cư lân cận, nhất là vào mùa mưa. Đóng quân ở Ba Đình, nghĩa quân Cần Vương có thể kiểm soát được dòng sông, dễ dàng kéo lên Bỉm Sơn, Đồng Giao để khống chế quốc lộ 1. Địa thế Ba Đình rất thuận lợi cho việc xây dựng pháo đài phòng ngự vững chắc, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt được phân công xây dựng và chỉ huy căn cứ Ba Đình.
Chỉ trong 1 tháng, căn cứ Ba Đình đã được xây xong, bao quanh ba làng là một hệ thống thung lũng bằng đất, có nơi chân thành rộng 9-10m, mặt thành xếp bằng cọc tre, bên trong tạo lớp bùn và rơm rạ tạo thành chiếc bia đỡ đạt rất công hiệu. Bên ngoài không thể nhìn thấy được vào bên trong, phía trong có hào rộng 4m, sâu 3m, cắm cọc nhọn chông chà bằng tre. Qua cánh đồng trũng là một lũy tre dày đặc bao bọc cả 3 phía Bắc, Tây, Tây nam. Lúc đầu nghĩa quân Ba Đình chỉ có khoảng 300 người, nhưng sau đó được bổ sung thêm. Vũ khí của nghĩa quân là súng hỏa mai, súng trường, cung, nỏ, vài khẩu súng thần công tổ chức cho 10 cơ đội, mỗi cơ đội khoảng 30 người do một hiệp quân chỉ huy. Lãnh đạo tối cao của căn cứ Ba Đình là Cán lý quân vụ Phạm Bành, còn người trực tiếp chỉ huy là Đinh Công Tráng được coi là linh hồn của khởi nghĩa Ba Đình.
Khu di tích nằm bên trong trường học
Những tin tức về hoạt động của nghĩa quân Ba Đình làm cho giặc Pháp hết sức hoang mang và chúng tìm mọi cách để tiêu diệt căn cứ này. Ngày 18/12/1886, quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lần thứ nhất vào căn cứ Ba Đình, lực lượng của địch chia làm 2 cánh quân. Cánh quân thứ nhất do trung tá Mét Đanh Giê chỉ huy gồm 167 lính, có một khẩu đại bác 80 ly yểm hộ tiến công từ phía Tây Nam; cánh thứ hai do trung tá Đôt chỉ huy gồm 350 quân lính tiến quân từ phía Đông Bắc. Trận này cả 2 cánh quân của địch bị chặn đứng trước những tay súng, tay cung thiện xạ của nghĩa quân. Nhiều tên giặc đã phải chôn xác dưới bùn sâu, cuộc tấn công của Pháp vào căn cứ Ba Đình lần thứ nhất thất bại.
Ngày 6/1/1987, giặc Pháp tấn công lần thứ hai. Quân giặc chia làm 3 mũi tiến công sau một hồi pháo kích dữ dội vào căn cứ. Khi chúng tiến sâu vào đến gần thành lũy đã bị nghĩa quân Ba Đình chặn lại, một số tên mạo hiểm leo lên thành đều bị đội cảm tử của nghĩa quân tiêu diệt. Ở những nơi khác, quân địch bị sa lầy trong bùn nước sâu, lại bị hỏa lực của nghĩa quân bắn trúng nên rất hoang mang, địch đã tổn thất nặng nề và đành rút lui.
Ngày 15/1/1887, Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ Ba Đình lần ba. Lần này chúng tăng thêm một vòng vây phía trong và một tay lưới đón lõng, chuẩn bị cho đợt tấn công mới. Chúng đã vẽ được sơ đồ chiến lũy Ba Đình do khai thác được từ một số tù binh và quyết định tập trung mũi nhọn đánh vào vị trí phía Bắc Thượng Thọ.
Sáng ngày 20/1/1887, toán công binh của địch đã tiến sát phòng tuyến thứ nhất của chiến lũy bao quanh Ba Đình. Công binh Pháp đã phải tưới dầu hỏa vào những cây tre bằng rơm chữa cháy rồi phóng hỏa, nhưng chỉ một phần bắt lửa, bọn địch dẫm bừa lên xác chết xông vào. Cuộc chiến trở nên vô cùng ác liệt. Bệnh tả, kiết lỵ bắt đầu xuất hiện bên phía nghĩa quân do nguồn nước bị ô nhiễm.
Trước tình hình trên, để tránh khỏi bị tiêu diệt, dành sức cho cuộc chiến tiếp theo, Phạm Bành và Đinh Công Tráng quyết định rút quân khỏi căn cứ Ba Đình vào đêm 20/1/1887 trong màn sương dày đặc, tiết trời giá rét. Đội cảm tử do Đốc Khế chỉ huy bất ngờ tiến công các đồn địch phía trong và nghĩa quân do Trần Xuân Soạn chỉ huy cũng tấn công các đồn ngoại vi của chúng. Giữa lúc đấy, đại bộ phận của nghĩa quân Ba Đình do Đinh Công Tráng và Phạm Bành chỉ huy, theo hai hướng khác nhau, vượt qua 800m bãi lầy, ngăn cách họ với phòng tuyến của địch và thoát ra ngoài. Nhiều nghĩa quân đã được nhân dân Nga Sơn nuôi giấu. Cuộc rút lui của các chiến sĩ Ba Đình hoàn toàn thắng lợi, nhiệm vụ “diệt, thủ” của giặc Pháp đã thất bại hoàn toàn.
Sáng hôm sau giặc Pháp cho bắn phá dữ dội vào căn cứ Ba Đình rồi mới dám tiến vào, chiếm được Ba Đình. Chúng ra lệnh triệt hạ ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh trên bản đồ, dựng bia để đe dọa dân. Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa bước sang một giai đoạn mới. Tiếng vang của khởi nghĩa Ba Đình còn vọng mãi nghìn thu; Ba Đình thành tên gọi của một quận ở Thủ đô Hà Nội.
Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Ba Đình cho hay: “Di tích lịch sử Ba Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1992. Dù vậy nhưng nhiều năm qua, Di tích lịch sử Ba Đình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được đầu tư nâng cấp. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TH&DL) đã có văn bản gửi Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa để quy hoạch chi tiết, nhưng do làm không kịp thời, quá hạn, lại phải làm lại văn bản. Xã rất mong Khu Di tích lịch sử Ba Đình sớm được đầu tư nâng cấp xứng tầm với bề dày lịch sử 131 năm Khởi nghĩa Ba Đình. Xã mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ VH,TT&DL sớm trình cấp có thẩm quyền để Di tích lịch sử Ba Đình trở thành di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; hiện Di tích lịch sử Ba Đình nằm trong khuôn viên của Trường THCS Ba Đình nên việc khách đến dâng hương, tham quan rất bất tiện, xã cũng mong được tỉnh, huyện bố trí trường sang vị trí mới”.
Được biết, năm 2016, huyện Nga Sơn tổ chức kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Ba Đình, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề nghị Trung ương sớm đầu tư nâng cấp Di tích lịch sử này.
Đánh giá về việc Di tích lịch sử Ba Đình chưa được đầu tư nâng cấp, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ba Đình là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. Vừa qua, sau khi UBND tỉnh có văn bản, Bộ VH,TT&DL đã thống nhất chủ trương và hiện các sở, ban, ngành có liên quan và huyện Nga Sơn phối hợp lập quy hoạch tổng thể. Sau khi được phê duyệt quy hoạch tổng thể, sẽ kêu gọi các nguồn vốn cộng với hỗ trợ từ ngân sách để trùng tu, tôn tạo lại di tích lịch sử Ba Đình cho xứng tầm với bề dày lịch sử và ý nghĩa to lớn của Khởi nghĩa Ba Đình đối với dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.