Lâu rồi không thấy các vị lãnh đạo nhắc nhở cấp thuộc quyền phải biết xấu hổ vì những thiếu sót trong phục vụ nhân dân.
Chẳng hạn lãnh đạo Tổng cục Thuế không nhắc nhở 63% nhân viên có “đi đêm” với doanh nghiệp và người dân nói họ sống trong sợ hãi vì cán bộ. Không chỉ có dân ta thán, Thủ tướng cũng băn khoăn là tại sao doanh nghiêp phải mang cả bao tải tiền đi nộp thuế mà không chịu để người ta chuyển khoản. Có những vụ việc tuy không nghiêm trọng nhưng cũng đủ gây bức xúc trong dư luận, cũng không thấy xin lỗi, không thấy người đứng đầu ra tay.
Vận chuyển hành lý ký gửi tại sân bay Nội Bài. Ảnh: LĐO
Mới đây dư luận rộ lên vì việc hành khách đường hàng không kêu mất hành lý nhiều lắm. Tướng Công an, quan tòa và cả Bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng về cũng mất hành lý. Báo đăng rần rần, nhưng các ông Hàng không vẫn coi như “cháy nhà hàng xóm” khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phải đích thân kiểm tra con đường hành lý từ tầu bay xuống đi như thế nào. Và ông Bộ trưởng té ngửa vì không thể có người ngoài lọt vào đây trộm đồ trong hành lý.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp tục “mổ xẻ” các vấn về mà dư luận bức xúc đối với ngành Hàng không Việt Nam.
Người ta dửng dưng công bố các số liệu đáng xấu hổ. Năm 2013 có tổng số 205 vụ, trong đó sân bay Nội Bài có 56 vụ, Tân Sơn Nhất có 149 khiếu nại. Năm 2014, tăng lên là 301 vụ, trong đó Nội Bài là 144 vụ, Tân Sơn Nhất là 157, khiếu nại quốc tế là 178 vụ. 6 tháng đầu năm 2015 có 168 vụ, trong đó Nội Bài là 79 vụ, Tân Sơn Nhất là 88 vụ, số vụ liên quan đến chuyến bay quốc tế là 111 vụ. Và đáng buồn hơn vì đây là con số chưa đầy đủ vì có nhưng hành khách bị mất trộm vặt nhưng không khai báo. Năm 2014 có đến 214 vụ việc hành khách phản ánh hành lý bị bẻ khóa, lục lọi và mất đồ tại các sân bay trong cả nước và tình trạng này có dấu hiệu leo thang.
Thừa nhận bọn trộm cắp ở sân bay toàn là người nhà nhưng không thấy ra tay. Họ tin vào camera sẽ giúp họ phát hiện kẻ trộm cắp đồ quý trong hành lý của hành khách vậy nên không quy được trách nhiệm cho ai, đơn vị nào. Chợt nhớ có lần đi nước ngoài về, mở vali ra thấy có tờ giấy in câu “xin lỗi vì đã mở va li để kiểm tra”, thế nhưng ơn trời không mất gì kể cả bộ dao ăn khá xịn. Hóa ra an ninh sân bay bên Tây vẫn mở hành lý nếu thấy nghi ngờ và họ biết việc kiểm tra là bất đắc dĩ chứ không phải kẻ gian mở ra để khoắng như ở sân bay Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải quy rõ trách nhiệm của từng bộ phận, trước tiên là những người đứng đầu. Bộ trưởng chất vấn, tại sao các biện pháp được triển khai mạnh mà hiện tượng mất cắp vẫn gia tăng? Phải làm rõ nguyên nhân và giải pháp đã đúng chưa? Trách nhiệm đầu tiên là của cơ quan quản lý nhà nước và nhấn mạnh toàn ngành hàng không phải biết xấu hổ khi để xảy ra các hiện tượng trên. Thiếu tướng Công an Nguyễn Đình Thuận, ngờ rằng các vụ mất cắp có sự tham gia, móc nối của nhân viên hàng không, đặc biệt là bộ phận soi chiếu vì nhiều vụ, vết rạch moi đồ đúng chỗ để đồ có giá trị. Do vậy, cần phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ phận thì sẽ giảm tối đa sự mất cắp, các biện pháp phòng ngừa chưa đồng bộ.
Vấn nạn trộm cắp tài sản, hành lý ký gửi là rất đáng buồn và đáng báo động không chỉ ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành hàng không, ngành GTVT Việt Nam mà còn làm méo mó hình ảnh của đất nước, nên chúng ta phải cảm thấy xấu hổ và bị xúc phạm khi để việc này xảy ra. Hãy chờ xem quân của ông Thăng có biết xấu hổ để khắc phục hay không. Cẩn thận khéo Bộ trưởng nói thì cứ nói, còn anh em họ “lưu” vẫn tiếp tục moi.