Vấn đề quan tâm

Vấn nạn trẻ hoá tội phạm: Giải pháp nào ngăn chặn tội ác ở lứa “tuổi teen”? (Kỳ cuối)

Đức Sơn 31/10/2023 08:08

Theo các chuyên gia, việc tội phạm trẻ hoá đã trở thành một vấn nạn nhức nhối, để giải quyết tình trạng này cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và cả xã hội.

Một phút bốc đồng, hậu quả khôn lường

Hiện nay, việc trẻ em và người chưa thành niên phạm tội đã trở nên phức tạp hơn, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thường vượt ra ngoài giới hạn độ tuổi của họ và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh và trật tự xã hội.

Theo thống kê của Bộ Công an cho thấy trong giai đoạn 2018 - 2020, cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%. Các tội danh chủ yếu liên quan tới “Cố ý gây thương tích”; “Gây rối trật tự công cộng”; “Giết người”.

90118255_3069427206443587_1444565615254700032_n.jpg
ThS.LS Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa

Trao đổi với PV Công Lý, Thạc sĩ - Luật sư (ThS.LS) Hoàng Trọng Giáp - GIám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm, bao gồm môi trường gia đình không ổn định, thiếu hỗ trợ tâm lý và giáo dục, áp lực từ xã hội và bạn bè, tiếp xúc với ma túy và vũ khí, cũng như việc họ không thấu hiểu đầy đủ về hậu quả của hành vi phạm tội, một số trẻ vị thành niên có thể bị lôi kéo vào hành vi vi phạm pháp luật do nhiều lý do khác nhau.

Theo ThS.LS Giáp, đối với những người phạm tội ở độ tuổi thanh, thiếu niên Nhà nước cũng thể hiện sự nhân đạo của mình để họ có thể làm lại và thay đổi cuộc đời. Luật hình sự Việt Nam quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự, người chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội không phải chịu trác nhiệm hình sự. Trường hợp người chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội chỉ có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc bị đưa vào trường giáo dưỡng.

ThS.LS Giáp cho hay, Bộ luật hình sự 2015 hiện hành quy định mức phạt tù đối với một số tội danh như tội "Cố ý gây thương tích" theo điều 134 cao nhất là tù chung thân, đối với tội "Gây rối trật tự công cộng" theo điều 318 cao nhất là 7 năm tù, và tội "Giết người" theo điều 123 cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, chính sách pháp luật dành cho trẻ em vị thành niên khi phạm tội cũng được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự, họ sẽ được áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn so với người từ đủ 18 tuổi. Cụ thể khoản 1 và khoản 2 Điều 101 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

Khoản 1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

Khoản 2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Giải pháp nào ngăn chặn tội ác từ lứa “tuổi teen”?

Nói về vấn nạn trẻ hoá tội phạm, Thượng tá - Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu cũng cho rằng việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này là việc cấp thiết để bảo vệ tương lai của xã hội.

“Để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trẻ hóa tội phạm, theo tôi giải pháp căn cơ nhất là giáo dục. Triết lý giáo dục cần phải thay đổi hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách con người, dạy con người hướng vào trong để quản trị được chính bản thân mình, thay vì nhồi nhét kiến thức mà thiếu vắng hẳn phần dạy làm người. Làm vậy sản phẩm đầu ra sẽ chỉ là những con rô bốt “chạy bằng cơm”.

Việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ không chỉ có “khẩu giáo” nghĩa là giáo huấn, mà bản thân người lớn phải nêu gương từ hành động của mình, đó là “thân giáo”. Ngay từ nhỏ, gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo cho trẻ môi trường phát triển thuận lợi để phát triển nhân cách”, Thượng tá Hiếu nói.

29998751052472377153725351247792687142922794n-edited-crop-1678033801624.jpeg.png
Thượng tá - Tiến sĩ Tội phạm học Đào Trung Hiếu

Theo Thượng tá Hiếu, cần phát huy truyền thống đạo đức của gia đình Việt Nam, duy trì gia phong, gia đạo, ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền… Nhà trường cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho học sinh, nhấn mạnh chức năng giáo dục con người, thay vì chỉ đào tạo, trang bị kiến thức.

Ở bình diện xã hội, Thượng tá Hiếu cho rằng các ngành chức năng cần tích cực triển khai các giải pháp làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa, đấu tranh mạnh mẽ với những yếu tố tiêu cực xã hội trên không gian mạng, trò chơi, phim ảnh bạo lực, đồi trụy, xây dựng những cộng đồng dân cư an toàn, văn minh, phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở.

Đồng quan điểm với Thượng tá Hiếu, ThS.LS Hoàng Trọng Giáp cũng cho rằng dù là nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trẻ hoá tội phạm thì việc cần thiết ngay lúc này là phải ngăn chặn tình trạng phạm tội của thanh thiếu niên để bảo vệ tương lai của họ và xã hội.

“Chúng ta cần thực hiện một loạt các biện pháp và chính sách hiệu quả như giáo dục cho họ những kiến thức, kỹ năng xã hội, sự tuân thủ pháp luật, thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ thực tế để họ có nhận biết, va chạm với môi trường lành mạnh nhiều hơn, giữa nhà trường và gia đình phải có mối liên kết chặt chẽ để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ đối với trẻ vị thành niên có biểu hiện bất thường tiêu cực”, ThS.LS Giáp cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn trẻ hoá tội phạm: Giải pháp nào ngăn chặn tội ác ở lứa “tuổi teen”? (Kỳ cuối)