Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hành động của một người biết mình làm sai đã xin lỗi người khác. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay, việc nhận lỗi khi làm sai là một hành động “xa xỉ” không phải ai cũng có thể làm được.
Hai ngày nay, cộng động mạng lan truyền câu chuyện một em học sinh 7 tuổi tại Hải Phòng, đi xe đạp không may va vào cửa chiếc xe taxi đỗ bên đường. Thay vì bỏ chạy như bao người lớn khác, em đã cố tình đứng lại chờ chủ xe mở cửa để khoanh tay nói lời xin lỗi khiến cho anh tài xế taxi phải “ngỡ ngàng” và cảm động như một món quà may mắn anh được nhận.
Văn hóa nhận lỗi phải chăng là một điều gì đó trở nên xa xỉ ở xã hội ngày nay
Người xưa đã đúc kết, con người thường thường có xu hướng không muốn nhận lỗi, nhận khuyết điểm. Phàm là có việc gì xảy ra đều nói là do lỗi của người khác, cho rằng bản thân mình mới là đúng. Kỳ thực, không nhận lỗi là một sai lầm.
Chúng ta có thói quen thường hay đổ lỗi cho người khác mà không biết tự nhận lỗi về phía mình. Ở nhà, nếu chẳng may con học dốt là do lỗi của cô giáo không biết dạy bảo. Nếu con trẻ va vào bàn ghế ngã đau, ngay lập tức chúng ta “đánh chừa” cái bàn, cái ghế và do cái bàn nên mới làm bé ngã.
Nếu ta không về quê thăm cha mẹ già là do công việc chứ không phải do ta không muốn. Ở công sở, nếu ta làm sai là lỗi tại “hoàn cảnh” hoặc tại “đồng nghiệp” chứ không phải ta không có trách nhiệm. Nếu chẳng may bị đuổi việc, ta nghĩ ngay đến việc bị “trù dập”; bị Cảnh sát giao thông bắt lỗi, ta đổ cho “số đen”.
Họ mặc nhiên đổ lỗi vô tội vạ và coi đó là hành động hiển nhiên, chỉ có người khác sai, mình “không bao giờ sai”. Chính cái văn hóa ấy đã không biết từ bao giờ ăn sâu bám rễ vào tư duy của một bộ phận cộng đồng nên những lời xin lỗi dần trở nên khan hiếm. Chính vì vậy mà lời xin lỗi của một đứa trẻ được thốt lên khiến chúng ta, bản thân những người lớn cảm thấy ngỡ ngàng và phải nhìn lại chính mình.
Như trường hợp trên, anh tài xế taxi đã rất “ngạc nhiên” tại sao cậu bé không đi sau khi lỡ đâm vào xe của anh. Tại sao cậu lại nấn ná đứng lại như vậy? Khi cậu bé lễ phép khoanh tay xin lỗi, thay vì giận dữ, anh ấy đã vui mừng. Tại sao lại như vậy? Phải chăng đó là hành động “bất thường” mà hiếm quá, lâu quá rồi anh mới gặp được. Và anh vui như nhận được một món quà vô cùng quý giá.
Hành động của em học sinh 7 tuổi tuy nhỏ, nhưng em đã làm lay động, thức tỉnh cả một cộng đồng lớn. Em đã "dạy" cho người lớn một bài học về văn hóa nhận lỗi, về cách ứng xử lẽ ra là hiển nhiên trong cuộc sống này, thế nhưng chính người lớn chúng ta cố tình hay vô tình quên mất.
Người xưa đã dạy người biết nhận lỗi, biết nhận sai lầm chẳng những không bị mất đi cái gì, trái lại, còn hiển lộ ra đó là người có tấm lòng khoan dung độ lượng. Sống trên đời, học cách nhận lỗi là một loại đạo đức tốt đẹp cũng là một loại đại tu hành.