Văn hóa dân gian Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đương đại

Ths. Trần Thanh Thuỷ| 15/02/2021 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam luôn tự hào về 4.000 năm văn hiến, trong đó văn hóa dân tộc là sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em. Việt Nam đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản thế giới. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của các di sản phi vật thể là việc đã và đang được các nhà văn hóa quan tâm, thể hiện bằng hành động cụ thể.

1-1-.jpg
Nặn tò he ở làng truyền thống Xuân La

Văn hóa dân gian Việt Nam vươn ra thế giới

Ngày 31/3/2017, tại Paris, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV) đã chính thức được kết nạp vào Liên đoàn Văn hóa dân gian thế giới (IGF), trở thành thành viên thứ 56 của tổ chức này tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Điều hành IGF. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng tạo thuận lợi để Việt Nam quảng bá tới bạn bè quốc tế những nét đặc trưng của văn hóa dân gian Việt Nam thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu các lễ hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán…Việc trở thành thành viên của IGF đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam cử các đoàn nghệ thuật tham gia vào các hoạt động văn hóa dân gian tổ chức tại các nước.

Trước đó, ngày 2/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, Cộng hòa Namibia, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những năm qua, UNESCO Việt Nam phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều dự án, tiêu biểu như: Phát huy di sản của cộng đồng người Cơ tu ở Đông Giang, Quảng Nam, đưa doanh nghiệp, lữ hành, các nhà thiết kế thời trang của Việt Nam và châu Âu đến với đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển sản phẩm dệt của phụ nữ, tạo chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm tới Hội An; hợp tác với trung tâm Craftlink phát triển sản phẩm lưu niệm dành cho thị trường khách du lịch; tư vấn cho Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trong quá trình xét duyệt dự án dưới 50.000 USD của Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát triển các tri thức bản địa của người Dao để xây dựng thành sản phẩm thuốc dân tộc, có tiêu chuẩn chất lượng có thể bán được...

“Di sản văn hóa phi vật thể phải gắn liền với cộng đồng, tiếp biến liên tục, có sự chuyển hóa cũng như làm giàu liên tục qua thời gian. UNESCO không nhấn mạnh tới bảo tồn nguyên trạng mà chú ý đến cộng đồng cũng như không gian cho di sản văn hóa đó được thực hành. Không cần ai ép, giới trẻ của dân tộc thiểu số khao khát được học và tìm hiểu về văn hóa của mình và tham gia vào những chuỗi như trên...” - Trưởng ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường khẳng định.

Việt Nam có nguồn lực văn hóa lớn, đó là sự đa dạng về văn hóa, giàu di sản; đồng thời cũng đang ở thời kỳ dân số vàng với thế hệ trẻ năng động, tiếp cận công nghệ, có năng lực sáng tạo và thiết kế. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, dường như có sự đứt gãy, chưa kết nối được hai nguồn năng lượng này. Bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, đừng nghĩ thế hệ trẻ không yêu thích văn hóa truyền thống, cái quan trọng là tạo cơ chế. Chúng ta có thể nghĩ tới thiết lập giải thưởng, xây dựng quỹ cho các dự án của giới trẻ, hội đồng các chuyên gia là người đóng vai trò xét duyệt và tư vấn trong suốt quá trình phát triển dự án dựa trên cảm hứng văn hóa dân gian. Điều đó sẽ làm cho văn hóa sống và chuyển giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế, gắn với cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Văn hoá dân gian không phải là những điều xa lạ, mà tồn tại ngay trong đời sống thường ngày của chúng ta. Đó là “văn hoá gốc”, “văn hoá mẹ”, có mặt trong mọi nếp sống, nếp nghĩ rất đời thường. Văn hoá dân gian cũng là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta qua bao thế hệ, mang trong mình những nét đặc trưng nhất từ lối sống đến lề thói ứng xử, từ phẩm chất đến phong cách, tập quán và mọi hình thái hướng nội, hướng ngoại của người Việt. Từ đó, tạo nên bản sắc, bản lĩnh dân tộc, để dân tộc có thể trường tồn trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử.

Cùng với thời gian, các giá trị văn hóa dân gian liên tục được tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản, mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp, mang lại giá trị tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là cơ hội khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ, là nền tảng hội nhập thế giới.

2-1-.jpg
Sản phẩm đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình)

Tối 11/12, bên hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại do thành phố Hà Nội tổ chức, đã diễn ra trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa truyền thống. Đây là hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống trong xã hội đương đại, nhằm thực hiện cam kết của thành phố Hà Nội khi tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Lễ hội diễn ra vào dịp cuối tuần, trùng với thời gian hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm nên thu hút đông người dân và du khách. Đây cũng là một trong số ít hoạt động văn hóa có quy mô lớn được thành phố tổ chức trong năm nay. Không gian lễ hội được thiết kế, trưng bày, sắp đặt đẹp, tinh tế, tạo hiệu ứng tốt cho sự kiện. Đó là những chất liệu thân thiện môi trường, gần gũi trong đời sống kết hợp cùng vật dụng, sản phẩm truyền thống làng nghề và hiệu ứng ánh sáng.

Tỉnh Hưng Yên cũng đang triển khai từng bước các nhóm dự án theo Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch”, thông qua quy hoạch sẽ hoàn thiện không gian kiến trúc về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Phố Hiến, để Hưng Yên không những phát triển về kinh tế xã hội mà còn mở ra tiềm năng lớn về văn hóa du lịch. Theo đó, phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch khoảng gần 2.000 ha theo ranh giới Phố Hiến cổ và nằm trong giới hạn thành phố Hưng Yên, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thành phố Hưng Yên đến năm 2020.

Quần thể Phố Hiến trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt cũng là tiền đề để Hưng Yên phát huy giá trị lịch sử, tiềm năng du lịch sau thời gian dài bị lãng quên. Hiện nay, tại các di tích như: Đền Mẫu, chùa Chuông, đình chùa Hiến... đều trở thành những trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được du khách trong nước biết đến. Đáng chú ý là việc khôi phục "Các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến", được gắn với các di tích đã góp phần tái hiện về một vùng đất "trên bến dưới thuyền" xưa, đã đi vào lịch sử với câu ca "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Ngày 12/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát hành bộ tem “Tết Tân Sửu” gồm hai mẫu tem và một blốc tem. Blốc tem gồm 4 con tem (mỗi mẫu tem được dùng hai lần) xếp đối xứng nhau trong một ô vuông. Phần nền của blốc tem là hình ảnh hoa đào, hoa mai, cùng mâm ngũ quả dâng lên Đất Trời, Tổ tiên với ý nghĩa thể hiện ước mong về một năm hạnh phúc, sung túc. Hai mẫu tem khi xếp cạnh nhau tạo thành một gia đình trâu đang cùng nhau đón chào năm mới.

Mầu sắc bộ tem tươi sáng, bắt mắt, toát lên không khí vui tươi đón chờ xuân sang Tết đến. Những chi tiết thể hiện trên mặt tem sinh động xung quanh chủ đề Tết như một lời nhắc mọi người hướng về Tết cổ truyền sum vầy, no ấm, tươi vui. Từ Tân Sửu có nghĩa là trâu mới, nên tác giả lựa chọn hình ảnh chú trâu tươi vui để thể hiện trên bộ tem, với hy vọng năm mới sẽ tràn ngập những điều mới hạnh phúc, xua tan đi những điều không tốt do đại dịch COVID-19.

Trong hơn 30 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, văn hóa văn nghệ dân gian nước nhà tiếp tục phát triển, đội ngũ nhà nghiên cứu và văn nghệ sỹ trưởng thành nhanh chóng. Hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian ngày càng phong phú. Tôn chỉ mục đích của Hội là “Sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những đội quân chủ lực góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.

Hiện nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có trên 1.400 hội viên, số công trình do hội viên của Hội đã hoàn thành lên đến gần 4000 công trình. Đặc biệt được sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, Dự án “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” được thực hiện. Trong 10 năm, Dự án đã xuất bản được 2.500 trong số gần 4.000 công trình đã nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam; trong số 2.000 đơn vị được thụ hưởng thành quả của Dự án, có hơn 400 đơn vị là các đồn bộ đội biên phòng, thư viện các huyện miền núi biên giới, hải đảo, các trường phổ thông dân tộc nội trú...

"Trong những năm tới, Hội vẫn tiếp tục sưu tầm các biểu hiện văn hóa dân gian chưa được sưu tầm. Trên cơ sở hàng ngàn công trình đã tích lũy được, Hội chuyển mạnh sang việc khám phá những giá trị, những quy luật tư duy sáng tạo của ông cha đang còn tiềm ẩn trong các tác phẩm, phong tục, biểu tượng... Việc tham khảo những lý thuyết nghiên cứu đã có trên thế giới như cấu trúc luận, biểu tượng luận, loại hình học, chức năng luận, nhất là cơ chế tổng thể nguyên hợp trong sáng tạo của văn hóa, văn nghệ dân gian và nhiều lý thuyết khác nữa là điều cũng sẽ được các cấp hội quan tâm", GS- TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa dân gian Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đương đại