Văn hóa bày mâm ngũ quả và tục kiêng các thực phẩm ngày Tết ở ba miền

Nguyễn Minh-Sơn Hải| 04/02/2019 07:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chọn thực phẩm để ăn uống và việc chọn hoa quả để trưng bày, trang trí rất quan trọng đối với mỗi gia đình ở các vùng, miền trong dịp Tết.

Với mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả ngày tết trong mỗi gia đình ngoài để thờ cúng tổ tiên thì còn có ý nghĩa mưu cầu sung túc, no đủ trong năm mới, điều này được cả ba miền ưa chuộng. Gia đình giàu có thì làm mâm ngũ quả lớn, bài trí cầu kỳ, gia đình thường thường bậc trung thì có mâm ngũ quả đơn giản hơn. 

Tuy nhiên, mỗi vùng lại có cách trình bày mâm ngũ quả khác nhau. Hầu như tất cả các loại quả đều có thể trưng bày trên mâm ngũ quả của người miền Bắc, kể cả quả ớt, miễn làm sao trông đầy đặn và đẹp mắt. Mâm ngũ quả hiện nay đã thay đổi rất nhiều, mang ý nghĩa trang trí cho không gian xuân nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh.

Văn hóa bày mâm ngũ quả và tục kiêng các thực phẩm ngày Tết ở ba miền

 Mâm ngũ quả ngày Tết

Dưa hấu đỏ là món không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt ngày Tết. Tuy nhiên, hiếm thấy nhà nào bổ dưa vào mùng 1, phần lớn dưa hấu được "khui" ra từ mùng 2 Tết trở đi. Vì người xưa quan niệm, nếu dưa không đỏ, gia đình sẽ không gặp "hên" trong năm.

Miền Trung và miền Nam lại coi trọng nguyên tắc liên tưởng theo ngữ nghĩa của tên gọi, nên cũng tránh những loại quả có tên "xui xẻo", ví dụ: miền Trung không chọn quả đu đủ vì tên gọi này phát âm giọng miền Trung nghe gần như “thù đủ”. Người miền Nam lại tránh: cam (cam chịu), lê (lê lết), sapôchê (chê bai), chuối (chúi nhũi), táo (người Nam gọi là "bom"), lựu (lựu đạn) và không có cả sầu riêng (dù người miền Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng). Họ cũng không chọn trái có vị đắng, cay mà chọn những loại có tên gọi hay như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (có ý nghĩa là cầu vừa đủ xài!) và quả sung (sung túc). Người miền Nam cũng chỉ bày quýt mà không bày cam lên mâm trái cây vì quan niệm quýt làm cam chịu.

Mâm ngũ quả của người Bắc bao giờ cũng có nải chuối. Nhưng người Nam lại cho rằng, từ chuối có âm đọc chệch nghe giống từ "chúi", thể hiện sự đi xuống, không ngẩng lên được. Ngũ (năm, là biểu tượng chung của sự sống), ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng để thờ cúng. Thêm vào đó, cư dân vùng nông nghiệp, ngũ cốc được coi trọng nhiều hơn ngũ quả. Trong sách Chiêm thư, người ta thường nhìn ngũ quả để dự đoán được/mất của các mùa vụ lương thực trong năm. Lâu dần, sự xác tín biến thành tập tục, "ngũ quả" có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân.

Chọn 5 thứ quả theo quan niệm của người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Quả biểu tượng cho sự sung túc qua cấu tạo của nó: bên trong chứa hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy là vũ trụ, ý nghĩa là sự sinh sôi trường tồn tái sinh bất tận của sự sống. Mỗi loại quả có ý nghĩa riêng qua hình dáng/cấu tạo/hương vị, màu sắc và cách đọc tên:

Đôi khi mâm ngũ quả cũng được sử dụng trong Mâm quả Ngày Cưới của người Việt. Vào ngày tổ chức lễ cưới, nhà trai sẽ mang những Lễ Vật sang nhà gái để xin rước cô dâu về. Mâm ngũ quả của ngày cưới sẽ còn được chuẩn bị kỹ càng hơn nữa vì còn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng để ngầm hiểu đem lại điều lành cho đôi uyên ương.

Với thực phẩm

Người dân miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, thịt chó, cá mè... trong ngày Tết và cả tháng đầu năm vì họ quan niệm, ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ rất đen, kém may mắn. Người dân miền Nam lại ít ăn tôm ngày Tết vì sợ đi… giật lùi như tôm, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.

Khi uống nhân sâm, nên kiêng ăn tất cả các loại củ cải (đỏ, trắng, xanh...) và hải sản. Theo y học cổ truyền, củ cải và đồ biển là đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng. Không nên xào nấu gan động vật, các loại động vật có vỏ sống trong nước như tôm, sò, ốc... với các thứ rau quả có chứa nhiều vitamin C.

Văn hóa bày mâm ngũ quả và tục kiêng các thực phẩm ngày Tết ở ba miền

Khi ăn thịt dê không nên uống nước chè ngay

Thịt chó và thịt dê rất giàu protein. Nếu vừa ăn thịt chó hoặc thịt dê mà lại uống nước chè ngay thì chất acid tanic có trong nước chè sẽ kết hợp với protein trong thịt chó hoặc thịt dê tạo thành chất tannalbin làm se niêm mạc ruột, giảm nhu động ruột dễ dẫn đến táo bón, nguy cơ gây ra ung thư. Muối tiêu và khoai môn nếu ăn cùng dễ làm ruột đau thắt; chuối hột thì kỵ mật mía, đường, bởi ăn cùng lúc bị chướng bụng.

Không nên kết hợp dưa hấu và thịt dê; các loại quả có tính axit tanic như ổi, hồng, nho nếu ăn cùng hải sản sẽ khó tiêu hóa, gây đau bụng, buồn nôn.

Mật o­ng kỵ đậu hũ cũng không nên ăn cùng nhau. Trong tào phớ thường có thạch cao và trong mật ong thì có đường. Hai thành phần này gặp nhau sẽ tạo ra hiện tượng vón cục, đông cứng trong dạ dày, làm người ăn khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Nếu nạn nhân có tiền sử bệnh tim mạch thì khả năng tử vong càng cao.

Nên tin hay không?

Thời tiết thay đổi, tiệc tùng, bia rượu liên miên, tâm lý ăn uống dễ dãi trong dịp Tết khiến đồng hồ sinh học của con người bị đảo lộn và khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, cũng cần tự kiềm chế để tránh điều không hay xảy ra trong ngày vui. Tránh ăn những món lạ; không ăn những món còn sống, tái; dùng đồ uống của các nhà sản xuất có uy tín, chú ý hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Nên bảo quản tốt thực phẩm trong tủ lạnh, sau khi đã bọc nylông. Nếu bị ngộ độc, hãy tìm cách nôn hết số thực phẩm đã lỡ ăn và bổ sung Oresol để bù lại lượng nước đã mất, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng thì phải đến bệnh viện.

Ông bà xưa vẫn nói "Có thờ có thiêng - Có kiêng có lành", Tết bắt đầu cho năm mới nên những điều kiêng kỵ cần phải tránh phạm phải trong những ngày đầu năm để cả năm được thuận buồm xuôi gió. Ăn uống điều độ có thể giúp bạn giữ gìn sức khỏe để ngày Tết thêm vui, khỏe. Ở một khía cạnh nào đó, kiêng những món ăn "kém may" cũng là biểu hiện của văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa bày mâm ngũ quả và tục kiêng các thực phẩm ngày Tết ở ba miền