Vấn đề an ninh gia đình sau vụ thảm sát tại Bình Phước

Phạm Mạnh Hà| 16/07/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 7/7 vừa qua, một vụ thảm sát kinh hoàng cướp đi mạng sống của 6 người trong gia đình ở Bình Phước đã gây chấn động trên cả nước. Hai hung thủ đã bị bắt, bước đầu họ đã khai nhận động cơ và phương thức giết người.

Sau vụ thảm sát, nhiều bài học rút ra về công tác an ninh gia đình mà bấy lâu nay đa số chúng ta không mấy quan tâm và có tâm lý chủ quan không nghĩ đến một biện pháp đảm bảo an toàn cho chính gia đình mình để đề phòng bất trắc.

Trong cuộc sống hiện đại với nhiều mối quan hệ phức tạp khó tránh khỏi những mâu thuẫn, và khi mâu thuẫn đã phát sinh sẽ xuất hiện tâm lý trả thù rồi nhanh chóng chuyển hóa thành hành động tội ác.

Qua lời khai của hung thủ trong vụ án ở Bình Phước, có thể thấy có quá nhiều sơ hở của chủ nhân để kẻ thủ ác khai thác triệt để và giết chết được 6 mạng người.

Trước tiên là việc để lọt được vào trong nhà, nhờ mối quan hệ thân thiết trước đó giữa gia đình nạn nhân và hung thủ, một trong hai hung thủ đã dễ dàng yêu cầu một cháu bé 14 -15 tuổi mở cổng giúp để vào chỉ với lời hứa sẽ cho tiền và một con gà.

Việc một cậu bé ra mở cổng giữa đêm khuya là điều ít người nghĩ tới, nhưng cũng là một việc hết sức bình thường bởi với cậu bé còn đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thì kinh nghiệm đề phòng kẻ xấu là rất ít và cậu cũng sẽ dễ dàng bị lợi dụng.

Tiếp đến, sau khi đột nhập vào nhà thì cả hai kẻ sát nhân đã dễ dàng vào từng phòng riêng của các nạn nhân để sát hại, vì phòng của họ đều không cài hay khóa bên trong. Chính vì thế mà hung thủ lẻn được vào phòng mà không gây tiếng động khiến họ tỉnh giấc. Nhờ đó hung thủ đã dễ dàng khống chế các nạn nhân khi họ đang ngủ say, hoàn toàn mất khả năng tự vệ, để sát hại họ dễ dàng.

Đây cũng là thói quen chung của nhiều gia đình khi đi ngủ, vì cho rằng toàn người trong nhà nên không cần đề phòng. Thế nhưng, chúng ta cần phải nhớ một điều, khi say giấc là khi con người ta mất hoàn toàn khả năng tự vệ, thì bất kì một tên trộm nào đột nhập vào nhà cũng có thể đe dọa tính mạng của chúng ta.

Vấn đề an ninh gia đình sau vụ thảm sát tại Bình Phước

Thêm nữa là việc trang bị hệ thống báo động nội bộ liên thông giữa các phòng cũng là một điều cần lưu ý với những căn biệt thự nhiều tầng, nhiều phòng ốc. Hệ thống báo động đặc biệt hữu ích khi xảy ra những sự cố nguy hiểm như trộm cướp, cháy nổ...

Vụ án này cũng là một bài học cảnh tỉnh cho các gia đình cần quản lý, theo dõi con cái trong gia đình mình. Có vẻ như hiện nay xã hội chúng ta vì quá mải mê phát triển về kinh tế mà quên đi yếu tố con người? Đành rằng kinh tế phát triển đời sống con người cũng sẽ tốt đẹp hơn nhưng mặt trái của nó thì để lại hệ lụy khác. Nếu không có định hướng rõ ràng trong việc xây dựng tiêu chuẩn con người mới thì rõ ràng là chúng ta đã thả nổi công tác tư tưởng, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên. Điều gì sẽ xảy ra với thế hệ trẻ nếu như một bộ phận này sống không có lý tưởng, không có mục đích?.

Khi những vụ án kinh hoàng xảy ra, nhiều ông bố bà mẹ vẫn ngỡ rằng con cái mình là một đứa con ngoan. Chính cái tâm lý "đóng đinh" ấy khiến những bậc phụ huynh luôn chủ quan, không giáo dục định hướng kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

6 người trong một gia đình chết tức tưởi dưới bàn tay của kẻ thủ ác vốn là người quen, nhiều bài học được rút ra sau vụ thảm sát kinh hoàng đó, nhưng có lẽ hơn hết vẫn là mỗi người trong chúng ta phải biết tự bảo vệ chính mình, mỗi gia đình hãy tự trang bị cho mình những biện pháp bảo vệ an toàn bằng cách lắp đặt các camera an ninh để có thể dễ dàng quan sát, đóng cửa phòng ngủ ngay cả khi chỉ có người thân trong nhà, bên cạnh đó là việc dạy dỗ, quản lý và định hướng cho con em mình bắt đầu từ khi chúng biết nhận thức.

Qua đây, cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức an ninh gia đình cho người dân, để phòng ngừa những vụ án đau lòng có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề an ninh gia đình sau vụ thảm sát tại Bình Phước