Theo nguồn tin riêng của Báo Công lý, TAND thành phố Hà Nội vừa thụ lý hồ sơ vụ án để lên kế hoạch xét xử Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 12 đồng phạm về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Được biết, đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận được Công an Hà Nội khám phá hồi tháng 9/2020. Nhà chức trách đánh giá vụ án này ở mức nghiêm trọng, phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của các bị can rất tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.
Theo Viện KSND Hà Nội, năm 2016, nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, nên Nguyễn Thị Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh). Sau đó, các bị can hợp thức hồ sơ để chuyển tiền thông qua Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Phát và Công ty TNHH đầu tư Đại Phát.
Bị can Thuật đồng ý bán cho Nguyệt hồ sơ tạm nhập tái xuất với giá từ 30-40 triệu đồng. Còn Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu con dấu, chữ ký giám đốc để hoàn thiện hợp đồng. Để có hàng hóa, 2 bị can góp tiền mua linh kiện điện tử (IC) điều khiển từ Trung Quốc rồi làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để tái xuất sang Trung Quốc và chuyển lại cho Thuật.
Viện KSND xác định bị can Thuật đã mở 49 tờ khai hàng hóa với tổng giá trị nhập khẩu là 52,3 triệu USD. Còn tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD. Sau đó, ông ta sử dụng pháp nhân của 2 công ty cùng tên Đại Phát và Công ty TNHH xuất nhập khẩu BDA (trụ sở tại Hải Phòng) để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng.
Sau phi vụ trên, Nguyệt biết được thủ đoạn và cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên năm 2017, bị can bàn với chồng là Phạm Anh Tuấn (38 tuổi, bộ đội phục viên) kế hoạch “làm ăn lớn”.
Cáo trạng nêu vợ chồng Nguyệt mượn chứng minh nhân dân của những người thân trong gia đình để thành lập 8 công ty. Thực tế, các doanh nghiệp này không hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Mục đích Nguyệt và các bị can sử dụng để làm “bình phong” nhằm ký hợp đồng kinh tế khống, mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan.
Ngoài ra, để chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế, Nguyệt cùng chồng liên hệ với các nhân viên MBBank, Sacombank.... Sau đó, các ngân hàng này hỗ trợ mở tài khoản, làm hồ sơ để giao dịch chuyển tiền.
Từ năm 2016 đến năm 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng bị can Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Cơ quan tố tụng cho rằng bằng những thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Nguyệt đã thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.