Từ ngày 30/5 đến 1/6/2025, huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Văn hóa – Du lịch năm 2025, đồng thời triển khai lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong của đồng bào Chăm Hroi trên địa bàn.
Đây là bước đi quan trọng nhằm bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.
“Tiếng vọng từ đại ngàn” và những dấu ấn văn hóa bản địa
Sự kiện Văn hóa – Du lịch năm 2025 tại huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) là hoạt động quy mô lớn, góp phần khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Chăm Hroi, Ba Na... đang sinh sống tại đây.
Qua đó, huyện hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, bền vững, gắn với tôn vinh và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Không chỉ là không gian văn hóa - nghệ thuật, chuỗi sự kiện còn là dịp để giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Vân Canh, đặc biệt là vai trò của Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ diễn ra nhằm thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực trọng điểm, từ công nghiệp đến hạ tầng du lịch.
Điểm nhấn nổi bật là Liên hoan văn hóa trống, cồng chiêng “Tiếng vọng từ đại ngàn”, nơi quy tụ các câu lạc bộ cồng chiêng của đồng bào Chăm, Ba Na ở các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiệp và thị trấn Vân Canh. Sự kiện còn có sự tham gia giao lưu của nghệ nhân đến từ huyện Vĩnh Thạnh và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên).
Bên cạnh đó là các hoạt động phong phú như: Liên hoan dân vũ “Hòa quyện cùng vũ điệu đại ngàn”. Hội trại “Ấn tượng Vân Canh”. Không gian tái hiện kiến trúc nhà truyền thống, ẩm thực, thủ công, trò chơi dân gian và ngày hội làm bánh cổ truyền.
Du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của đại ngàn thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm, thi ảnh “Check-in cảnh đẹp Vân Canh” tại suối Đá Kà Te, suối Một, vườn nhãn Canh Thuận, hồ Núi Một (làng Canh Tiến)...
Về Vân Canh nghe trống K’toong gọi hồn đại ngàn
Lần đầu tiên, huyện Vân Canh tổ chức các hoạt động quy mô như: Cuộc thi "Duyên dáng Becamex - Vân Canh lần thứ I - 2025". Lễ hội đường phố “Khát vọng đại ngàn”. Giải đua xe đạp “Khám phá đại ngàn - Hành trình chinh phục mọi giới hạn”, với cự ly 25km từ Khu công nghiệp Becamex VSIP (xã Canh Vinh) đến suối Đá (xã Canh Thuận).
Giải đua không chỉ là sân chơi thể thao mà còn là cơ hội để du khách cảm nhận sự chuyển mình của vùng đất đại ngàn đang vươn lên mạnh mẽ.
Ngoài ra, các gian hàng đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ của đồng bào Chăm, Ba Na sẽ góp phần giới thiệu đến du khách nét tinh hoa vùng miền.
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động, UBND huyện Vân Canh đang xúc tiến lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cho Không gian văn hóa Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong của người Chăm Hroi, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Không gian này không chỉ là biểu tượng nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, mà còn gắn liền với mô hình làng truyền thống của người Chăm Hroi trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng và thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hòa quyện cùng các làn điệu A-ya, A-ri, những câu chuyện dân gian, nhạc cụ truyền thống như Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong trở thành “cầu nối” giữa các thế hệ và nền văn hóa đa sắc của các dân tộc thiểu số tại vùng đất đại ngàn Vân Canh.
Theo ông Dương Hiệp Hoà - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (Bình Định), huyện miền núi Vân Canh là vùng đất giàu truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm Hroi, Ba Na.
Từ ngày 30/5 đến 1/6/2025, huyện sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Văn hóa – Du lịch năm 2025, nhằm tôn vinh bản sắc quê hương, quảng bá hình ảnh con người Vân Canh đến với bạn bè gần xa.
Đặc biệt, huyện đang lập hồ sơ Không gian văn hóa Cồng 3, Chiêng 5, Trống K’toong – di sản quý báu của đồng bào Chăm Hroi, để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Đây là bước đi quan trọng trong gìn giữ hồn cốt văn hóa quê hương, gắn với phát triển bền vững. Rất mong mọi người cùng về với Vân Canh – nơi văn hóa đại ngàn vẫn vang vọng trong từng nhịp chiêng, tiếng trống”, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh nói.