Có thể lấy lý do trong lúc "dịch bệnh bối rối" để giải thích cho những văn bản được ban hành rồi rút lại vội vã. Song, cần thiết phải có sự đánh giá nghiêm túc.
Trong thời điểm cuộc chiến "chống giặc" căng thẳng, cam go nhất, nhiều địa phương, đơn vị với chức năng và quyền hạn của mình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhất quán trong công tác phòng, chống dịch. Dĩ nhiên đó là việc làm cần thiết. Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu như các văn bản này không bị dư luận phản ứng với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Điển hình là ngày 26/3, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi một số công ty thực hiện việc hỏa táng, chỉ đạo tăng cường công suất tối đa các cơ sở này để đề phòng có nhiều người tử vong do Covid-19.
Văn bản vừa ban hành chưa lâu thì chính người ký văn bản này là bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh lại ký một văn bản khác với nội dung thu hồi lại văn bản trước đó.
Một văn bản không chỉ đi chệch hướng tinh thần chỉ đạo của thành phố trong công tác phòng, chống dịch mà ngôn ngữ, văn phong sử dụng cũng cẩu thả, gây hiểu lầm nghiêm trọng. Thế mà, lãnh đạo Sở này vẫn nhắm mắt ký thì kể cũng kỳ lạ thật.
Về việc này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phê bình nghiêm khắc Sở TN-MT, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan đến việc ban hành văn bản.
Đáng buồn là, việc thu hồi các văn bản, thay đổi các đề xuất "nhanh như điện" lại xảy ra khá nhiều trong thời gian qua. Trước đó, Bộ Công Thương với những tham mưu "sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng" về việc xuất khẩu gạo của mình cũng gây ra nhiều băn khoăn, ái ngại.
Hay như ngày 31/3, sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 thì gần như đồng thời, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc số 903/PA-TTS chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Trong văn bản nêu: "...Không cho người trong thành phố ra khỏi thành phố và người ngoài tỉnh vào thành phố.." tức là "bế quan, tỏa cảng", tư duy đi ngược với tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị của Thủ tướng.
Bởi thế, văn bản này cũng chung số phận với văn bản của Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh, nó tồn tại vài giờ đồng hồ trước khi bị rút lại.
Trước hết cần thừa nhận, sự sốt sắng của các đơn vị, cá nhân ký ban hành những văn bản này đều trên tinh thần trách nhiệm với công việc, vì sức khỏe của nhân dân. Chúng ta nên ghi nhận điều đó. Tuy nhiên, trong lúc nước sôi, lửa bỏng mỗi quyết định đưa ra cần phải được xem xét thận trọng, cần có sự tham vấn nghiêm túc nếu không muốn gây thêm tâm lý hoang mang trong dư luận.
Nhiệt tình trong công việc là rất cần thiết nhưng nếu cộng thêm một vài yếu tố chủ quan thì câu chuyện sẽ khác.
Cần phải nói thêm, thời gian qua ở một số địa phương xuất hiện tình trạng "ngăn sông cấm chợ", tư duy "cát cứ" do hiểu sai nội dung trong Chỉ thị của Thủ tướng về việc "cách ly xã hội". Vì sao không hiểu đúng? Đây là nội dung về sau cần phải phân tích, rút kinh nghiệm, nhất là bộ phận tham mưu.
Một văn bản ban hành nhưng nhiều địa phương hiểu không đúng, lúng túng trong chỉ đạo khiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải giải thích lại, thậm chí Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh về tinh thần của Chỉ thị thì có lẽ văn bản chưa đạt yêu cầu.