Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo có dấu hiệu bị làm giả (Bài 2): Ai là người chỉnh sửa?

Anh Tuấn| 15/05/2021 14:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự việc văn bản số 26/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có dấu hiệu bị làm giả đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Theo tài liệu PV Báo Công lý có được, người chỉnh sửa văn bản số 26/KH-BGDĐT là một chuyên viên đang công tác tại bộ này.

“Lộ diện” người chỉnh sửa

Ngày 12/5/2021, Báo Công lý có bài viết phản ánh về việc ngày 8/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ban hành bản kế hoạch số 26/KH-BGDĐT (gọi tắt là kế hoạch số 26) về Kế hoạch triển khai Chương trình công tác về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và tệ nạn xã hội của Bộ GD&ĐT năm 2021. Văn bản này do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh ký thay Bộ trưởng.

Tuy nhiên, kế hoạch số 26 đã bị chỉnh sửa, thêm bớt nhiều nội dung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai các nội dung trong văn bản gốc.

3.jpg

Sau khi bài viết được đăng tải, Báo Công lý tiếp tục nhận được phản ánh về việc một số cá nhân đã trực tiếp tham gia vào việc chỉnh sửa, thêm bớt nội dung trong kế hoạch số 26, làm sai lệch bản chất.

Theo tài liệu PV có được, người trực tiếp sửa bản kế hoạch số 26 là bà N.T.B.T. - Chuyên viên của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên thuộc Bộ GD&ĐT (gọi tắt là Vụ GDCTHSSV). Sau khi sự việc bị vỡ lở, bà T. đã có văn bản báo cáo sự việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong báo cáo có chỉ rõ người trực tiếp chỉ đạo bà T. thực hiện việc này là bà L.T.H. - Phó Vụ trưởng Vụ GDCTHSSV. Bà H. đã chỉ đạo cấp dưới sửa đổi các nội dung trong văn bản nhiều lần để làm cở sở cho việc ban hành các công văn và giấy mời phục vụ cho mục đích tổ chức các hội thảo, tập huấn không có trong nhiệm vụ được giao.

Một số nội dung bị chỉnh sửa đã được triển khai

Theo đó, một số nội dung bị thêm vào phụ lục kế hoạch đã được triển khai thực hiện. Cụ thể, vụ GDCTHSSV đã phát hành công văn về việc tổ chức “Tập huấn cán bộ nguồn về Công tác xã hội và bảo vệ trẻ em” tại TP.Pleiku. Mà nhiệm vụ “tập huấn” này không có trong văn bản gốc của bộ GDĐT ban hành. Tiếp đó, vụ GDCTHSSV đã phát giấy mời tham dự hội thảo “Thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các cơ sở giáo dục đại học khó khăn, thách thức và cơ hội”. Việc tổ chức hội thảo trên cũng không có trong phụ lục các nhiệm vụ cần thực hiện của bản kế hoạch gốc do bộ GDĐT ban hành.

2.jpg
Một trang trong bản phụ lục gốc của Văn bản kế hoạch số 26

Ngoài ra, vụ GDCTHSSV đã phát hành công văn tới một số Sở GD&ĐT các tỉnh về việc tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát thực trạng thực hiện Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT. Mặc dù trong văn bản gốc thì nhiệm vụ này chỉ là tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện hai Thông tư số 33 và 31, kết quả đề ra là Báo cáo sơ kết. Sau khi vụ việc vỡ lở, bà Hằng đã chỉ đạo cấp dưới thu hồi ngay công văn đã gửi đi các tỉnh.

Như báo Công lý đã phản ánh, mục đích của kế hoạch này là triển khai các nội dung công việc được giao tại Nghị quyết số 121/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Kế hoạch năm 2021 của Ban chỉ đạo 138/CP; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/2/2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và an ninh, trật tự, an toàn trường học và một số mục đích khác.

1(2).jpg
Một trang trong bản phụ lục đã bị chỉnh sửa của Văn bản kế hoạch số 26

Liên quan đến sự việc này, bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết “Bộ GD&ĐT đang xem xét sự việc để thành lập hội đồng kỷ luật. Bộ sẽ làm việc nghiêm minh, công tâm, khách quan, đúng quy trình, thời gian, có kết quả sẽ thông tin đầy đủ”.

Điều dư luận quan tâm đó là, việc cán bộ của Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc sửa đổi, thêm bớt các nội dung trong văn bản do Bộ GD&ĐT ban hành nhằm mục đích gì. Việc tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn ngoài nhiệm vụ được giao này sử dụng nguồn vốn từ đâu? Bộ GD&ĐT cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ việc này.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo có dấu hiệu bị làm giả (Bài 2): Ai là người chỉnh sửa?