Sáng 13/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Đứng trước những tác hại về sức khỏe, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình, xã hội, môi trường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân chưa đạt như kỳ vọng.
Bà Trần Thị Nhị Thủy mong muốn, các thông tin, số liệu có tính thuyết phục về tác hại của thuốc lá; vai trò, giải pháp để chính sách thuế có thể kiểm soát một cách hiệu quả việc tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam được các chuyên gia, nhà khoa học cung cấp tại hội thảo sẽ giúp báo chí hiểu rõ, góp phần truyền tải tích cực, đầy đủ thông tin có cơ sở, tin cậy đóng góp hiệu quả cho quá trình xây dựng, thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào năm 2025.
Gửi bài phát biểu đến Hội thảo, Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua.
Tuy vậy, với xu hướng hiện tại, Việt Nam khó đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Theo bà Angela Pratt, một trong những thách thức lớn nhất là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn, bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh, hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.
Với việc thảo luận, thông qua dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) thời gian tới, WHO tin rằng, Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân - bà Angela Pratt tin tưởng.
Đồng quan điểm với bà Trần Thị Nhị Thủy và TS. Angela Pratt về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá, Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh tỷ lệ hút thuốc giảm chậm, không đạt các mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế, đồng thời sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây có xu hướng tăng nhanh, Việt Nam cần cải cách thuế thuốc lá. Ông đánh giá, thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm cầu, tăng thuế sẽ làm giảm hút thuốc lá và tăng thu ngân sách.
Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Đào Thế Sơn, Chuyên gia kinh tế cho biết, các chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ cho thấy tình hình kinh doanh thuốc lá vẫn tăng trưởng tốt trong 10 năm vừa qua. Mặc dù chỉ số sản xuất/tiêu thụ có mức tăng chậm lại gần thời điểm các năm tăng thuế 2016, 2019, nhưng không đáng kể. Do vậy, Th.S Đào Thế Sơn cho rằng, rất cần tăng thuế ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng.
Cho rằng chính sách thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng, Th.S Đào Thế Sơn kiến nghị, Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ cao và có thay đổi định kỳ; sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ, thay vì giá xuất xưởng như hiện tại và tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ. Bên cạnh đó, để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập.
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế hoàn toàn nhất trí với Bộ Tài chính về một số đề xuất trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp, và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng.
Tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
“Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá và tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới như đã đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến 2030, mức thuế tuyệt đối phải đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030” – bà Đinh Thị Thu Thuỷ cho biết.