Việc nghiên cứu và áp dụng án lệ nhằm tạo sự thống nhất trong công tác xét xử giữa các cấp Tòa án, bảo đảm sự minh bạch, khách quan, công bằng, bình đẳng và đúng pháp luật của các bản án, các quyết định của Tòa án.
Vì vậy, việc phát triển án lệ và tạo điều kiện cho các Thẩm phán chủ động nghiên cứu, áp dụng án lệ vào thực tiễn xét xử, giải quyết các vụ án hành chính khi sửa đổi Luật Tố tụng hành chính là điều hết sức cần thiết.
Ở Việt Nam, kể từ khi chưa có án lệ song các Tòa án vẫn luôn có xu hướng tham khảo những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; tham khảo tính đúng đắn về chuyên môn nghiệp vụ cũng như thể hiện sự tôn trọng, phán quyết mẫu mực của Tòa án; căn cứ vào bản án tiền lệ để đưa ra quyết định cho vụ án cụ thể có nội dung tương tự vụ án của mình. Các phán quyết của Tòa án được tham khảo là các phán quyết có hiệu lực pháp luật đã tuyên trước đó, nhất là các phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Đây cũng là hình thức nghiên cứu, tham khảo, áp dụng án lệ trong quá trình phát triển án lệ của Tòa án thuộc các nước theo hệ thống Luật thành văn (Civil Law).
TS Đào Thị Xuân Lan
Án lệ góp phần công khai hóa, minh bạch hóa và phổ biến rộng rãi đường lối xét xử các bản án và quyết định của Tòa án các cấp, là sự thể hiện tính đúng đắn, chuẩn mực trong các bản án, quyết định của Tòa án. Các bản án, quyết định của Tòa án được công bố công khai, rộng rãi để tất cả mọi người cùng biết, cùng nghiên cứu, có tác dụng nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật trong cộng đồng và áp dụng chính xác, đúng đắn vào thực tế khi những sự kiện pháp lý đã xảy ra.
Án lệ dù đã hoàn thiện hay đang trong quá trình phát triển thì vẫn tồn tại bên cạnh hệ thống Luật thành văn để bổ sung, hoàn thiện những lỗ hổng trong pháp luật hoặc bổ khuyết những quy định chưa rõ ràng mà pháp luật thành văn chưa kịp thời hoàn thiện, chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc những vấn đề đã được pháp luật điều chỉnh nhưng thực tiễn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Thông qua hệ thống án lệ, Thẩm phán có thể tham khảo trong khi xét xử để đưa ra những phán quyết chính xác, đúng đắn, khách quan, trung thực, đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật.
Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn, vấn đề phát triển án lệ theo chủ trương của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về việc “TANDTC có nhiệm vụ... phát triển án lệ...” là hết sức cần thiết, ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), theo đó có quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 là: Hội đồng Thẩm phán TANDTC: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chất chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” và tại khoản 5 Điều 27 của Luật giao cho Chánh án TANDTC nhiệm vụ và quyền hạn: “Tổng kết, phát triển án lệ, công bố án lệ”.
Đây là một đạo luật duy nhất, quan trọng nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND nói chung và của TANDTC nói riêng. Việc giao nhiệm vụ quan trọng này cho TANDTC sẽ không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (đã được quy định tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013) mà chính án lệ sẽ làm tăng thêm tính độc lập cần thiết cho Thẩm phán và cả hệ thống TAND trong công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp song không gây nên sự chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.
Án lệ là một trong những nội dung quan trọng của luật tố tụng nên đồng thời với việc quy định thẩm quyền phát triển án lệ trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), vấn đề tiếp theo là cần thiết phải được quy định về giá trị pháp lý và nguyên tắc áp dụng án lệ trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng (khi sửa đổi).
Để việc phát triển án lệ có hiệu quả và tạo điều kiện cho các Thẩm phán chủ động nghiên cứu, áp dụng án lệ vào thực tiễn xét xử và giải quyết các vụ án hành chính, khi sửa đổi luật tố tụng hành chính, tôi xin kiến nghị một số vấn đề như: Cần thiết quy định phát triển án lệ, giá trị pháp lý, nguyên tắc áp dụng án lệ trong các luật tố tụng nói chung và luật tố tụng hành chính (sửa đổi) nói riêng. Quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các luật tố tụng. Vì đây là vấn đề rất mới, rất quan trọng của các luật tố tụng. Phạm vi điều chỉnh của luật được xác định là việc quy định về giá trị pháp lý, trình tự, thủ tục, nguyên tắc áp dụng của án lệ. Đối tượng áp dụng bao gồm: Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc nghiên cứu, áp dụng án lệ.
Về trình tự, thủ tục áp dụng án lệ, Luật cần thiết quy định cụ thể các bước tiến hành khi áp dụng án lệ trong các giai đoạn tố tụng xét hỏi, tranh tụng, nghị án, tuyên án, để đảm bảo hoạt động xét xử được công khai, minh bạch, công bằng và đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vì án lệ rất mới ở Việt Nam, mới được quy định nguyên tắc trong Luật Tổ chức TAND năm 2014, nên những vấn đề cụ thể về án lệ phải do các luật tố tụng quy định đầy đủ. Loại ý kiến này thống nhất cách hiểu án lệ ở Việt Nam chỉ có giá trị tham khảo, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng chuẩn mực để áp dụng, cách thức áp dụng, chủ thể nào phải áp dụng… và việc áp dụng như thế nào thì cần phải được quy định cụ thể, chi tiết trong luật tố tụng. Việc tham khảo án lệ được thực hiện trong suốt quá trình tố tụng (ví dụ áp dụng từ khi thụ lý vụ án, áp dụng để đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, áp dụng từ khi lấy lời khai, thu thập chứng cứ, ra bản án, quyết định…). Mặt khác, không phải ngay từ khi án lệ được công bố thì Thẩm phán có nguồn án lệ để nghiên cứu, áp dụng ngay, mà cần từng bước xây dựng và phát triển án lệ. Như vậy, loại ý kiến này đề xuất thể hiện trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) một điều trong phần quy định chung về án lệ, và cụ thể hóa thành một Chương riêng quy định về án lệ trong Luật Tố tụng hành chính.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, án lệ không phải là nguồn luật. Án lệ được Hội đồng Thẩm phán TANDTC tổng kết, phát triển từ các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, để cho các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử nên nếu trong xét xử, Thẩm phán không áp dụng án lệ cũng không bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và sẽ không bị kháng nghị nếu Thẩm phán không áp dụng, không viện dẫn án lệ trong xét xử và không quy định bổ sung vào phần căn cứ kháng nghị của Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).