Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc đợt họp thứ nhất phiên họp thứ 6

Ngọc Mai| 10/12/2021 17:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương về tổ chức kỳ họp bất thường với tên gọi là "Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất", Quốc hội khóa XV. Nội dung của kỳ họp bất thường sẽ tối đa là trong 04 nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

ubtvqh-ket-thuc-dot-hop-thu-nhat-phien-hop-thu-6.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên họp

Trình Quốc hội 4 nội dung tại kỳ họp bất thường

Phát biểu kết thúc đợt họp thứ nhất Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong đợt làm việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung toàn bộ thời gian để cho ý kiến về những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới - kỳ họp xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách của nền kinh tế. Trong đó dự kiến có 04 nội dung gồm: Cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư giai đoạn 2 công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tất cả nội dung chương trình đề ra của đợt họp thứ nhất của Phiên họp thứ 6 lần này. Đồng thời ghi nhận công tác chuẩn bị đối với kỳ họp bất thường của Quốc hội cũng đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn những nội dung cần được tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau, thống nhất trong Chính phủ; đồng thời phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị để thống nhất các quan điểm, nội dung, phương án trình. Khi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất cao thì trình Quốc hội xem xét, quyết định mới có được sự đồng thuận, nhất trí cao, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tập trung cao độ cho kỳ họp bất thường của Quốc hội từ nhiều tháng nay, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan cần tập trung nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa cho nội dung này.

Về nội dung của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây không phải là chương trình đầu tư công mở rộng mà là chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng và đề nghị cần phải có sự đầu tư công phu hơn nữa nội dung chính sách, xác định mục tiêu, phương hướng, quan điểm, nguyên tắc của việc thiết kế gói chính sách; nhấn mạnh phải dựa trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc, có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để thực sự có giải pháp tài chính, tiền tệ tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phải có chính sách về y tế; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động; các lĩnh vực an sinh xã hội, thị trường lao động; về đầu tư kết cấu hạ tầng. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đầu tư kết cầu hạ tầng không chỉ có hạ tầng giao thông, đồng thời làm rõ phân bổ vốn vào đâu, chỉ rõ danh mục đầu tư trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phục hồi phát triển bền vững gắn với tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới. Do đó Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm các nội dung trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất chủ trương về tổ chức kỳ họp bất thường với tên gọi là "Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất", Quốc hội khóa XV. Nội dung của kỳ họp bất thường sẽ tối đa là trong 04 nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, "phải đến kết thúc đợt hai của Phiên họp thứ 6 mới có thể chính thức kết luận về nội dung của kỳ họp bất thường do nội dung về gói chính sách tài khóa, tiền tệ và một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển Tp.Cần Thơ cần được xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong đợt họp thứ hai. Đồng thời các nội dung khác cũng cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, báo cáo thẩm tra trên cơ sở nâng cao tối đa về chất lượng, tránh trường hợp vừa sửa luật xong đã lại phát sinh bất cập hoặc sửa điều luật này làm mâu thuẫn với điều luật khác", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn thiện cả về chủ trương, nội dung xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền; nêu rõ phải đảm bảo yêu cầu chất lượng nội dung mới tổ chức kỳ họp bất thường. Để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, trong bối cảnh cuối năm phải gấp rút triển khai, hoàn thành nhiều nhiệm vụ liên quan đến tổng kết đánh giá công tác, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nếu đảm bảo điều kiện thì sau khi kết thúc Phiên họp thứ 6 sẽ trình Bộ Chính trị về chủ trương về tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022. Đồng thời đề nghị cơ quan hữu quan xây dựng chương trình kỳ họp bố trí đủ thời gian để đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, không khống chế thời gian của kỳ họp, đòi hỏi tính toán cụ thể hợp lý, bố trí thời gian khai mạc và đọc các tờ trình 1 buổi, dành thời gian thảo luận tổ ít nhất 2 ngày, thảo luận trực tuyến toàn thể trong 2 ngày và 1 buổi cho biểu quyết thông qua các nội dung và tiến hành bế mạc.

Theo dự kiến chương trình, đợt họp thứ hai Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong hai ngày 21-22/12/2021 tới.

Trước đó, báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nếu 4 nội dung được đưa ra xem xét đều đủ điều kiện trình Kỳ họp bất thường thì dự kiến tổng thời gian Kỳ họp sẽ là 3,5 ngày, dự phòng 0,5 ngày. Trong đó Phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận ở tổ: 1 ngày. Thảo luận ở hội trường: 2 ngày/4 nội dung. Phiên bế mạc và biểu quyết thông qua: 0,5 ngày.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xin dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp như sau: Phương án 1: Tổ chức kỳ họp trong tháng 12.2021, dự kiến khai mạc vào ngày 27.12, bế mạc ngày 31.12 để kịp kết thúc kỳ họp trong năm 2021. Phương án 2: khai mạc kỳ họp trong tháng 12.2021, bế mạc vào tuần đầu tháng 1.2022, dự kiến khai mạc ngày 27.12 và bế mạc ngày 4.1.2022 (Quốc hội sẽ nghỉ ngày 28-29.12.2021 để các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ). Phương án 3: Tổ chức kỳ họp vào đầu tháng 1.2022, dự kiến khai mạc ngày 4.1.2022. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận tại tổ trong ngày 4.1.2022; thảo luận trực tuyến trong 2 ngày 7 - 8.1 và bế mạc ngày 11.1.2022 (trong đó, Quốc hội nghỉ ngày 5-6.1.2022 để các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án 1, đồng thời đề nghị các cơ quan tích cực phối hợp hoàn thiện hồ sơ tài liệu, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến để bảo đảm thời gian triệu tập kỳ họp theo đúng quy định.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết tổ chức Kỳ họp bất thường. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thời gian để cho các đại biểu Quốc hội thảo luận, tránh gò ép về mặt thời gian, nhất là kỳ họp này có nhiều nội dung quan trọng của đất nước.

Cơ chế đặc thù cho Cần Thơ chưa thực sự đột phá

Trước đó, liên quan Dự thảo Nghị quyết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, việc ban Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn. Các cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình đã bảo đẩm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù, phù hợp với Nghị quyết 59. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách, các cơ chế, chính sách này chưa có bước đột phá; một số chính sách mới đề xuất còn có điểm chưa rõ căn cứ, chưa cụ thể, cần sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua.

Cho ý kiến tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, cũng như luận giải hợp lý của Chính phủ: về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; về quản lý đất đai, quy hoạch; về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn về các cơ chế, chính sách đặc thù mới để Cần Thơ thực sự trở thành đô thị hạt nhân, địa bàn trọng yếu, chiến lược đầu tàu, dẫn dắt cả Vùng.

Để có đủ căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung bổ sung làm rõ và quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện, phạm vi hưởng ưu đãi… trong dự thảo Nghị quyết.

Trong đó, đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề hoàn toàn mới, quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương. Đây là cơ chế ưu đãi đối với một dự án cụ thể, tức là chính sách mang tính thời điểm, nhưng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội "lại có tính chất ổn định để sau khi tổng kết có thể áp dụng lâu dài, là bước đột phá hợp lý, chấp nhận được" bởi các lý do sau: thứ nhất, việc nạo nét sẽ phù hợp với thực tế đã được Quy hoạch Vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và phù hợp với Nghị quyết 120 của Chính phủ về biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Thứ hai, phương thức vận chuyển đường thủy trên sông Hậu được triển khai thực hiện hiệu quả, và hàng năm vùng ĐBSCL sẽ bớt được chi phí khoảng 70-100 triệu USD/năm. Thứ ba, thực tế hiện nay nhiều đoạn trên Sông Hậu có độ sâu khoảng 3m nên chỉ đáp ứng được tàu ra vào khoảng 7.000 tấn; do đó để phát huy được toàn bộ các cảng đã đầu tư (8 cảng với tổng năng lực thông quan gần 20 triệu tấn hàng hóa/năm) cho tàu ra, vào 10-20 nghìn tấn, thì độ sâu của luồng phải từ 6,5m trở lên.

Đối với chính sách Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, vùng ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% thủy hải sản và 70% rau quả cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp II theo quy hoạch tại Cần Thơ, chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng. Tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng là chưa cao, nhất là trái cây. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.

Đáng lưu ý, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của Vùng ĐBSCL không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh “trung tâm liên kết sẽ hình thành là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập đã nêu. Chính sách đặc thù Khu liên kết được hưởng mức ưu đãi đặc biệt cần được quan tâm”.

Qua ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo về Dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt họp thứ hai của Phiên họp thứ Sáu, nếu đủ điều kiện mới trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc đợt họp thứ nhất phiên họp thứ 6