Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thứ 6 cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, cấp bách và được tiến hành theo hai đợt vì yêu cầu phải sớm cho ý kiến về những nội dung liên quan đến kỳ họp bất thường của Quốc hội, để Chính phủ và các cơ quan thẩm tra có đủ thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng các báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường.
Sáng nay (8/12), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 6. Phiên họp được tiến hành theo hai đợt, đợt 1 từ ngày 8 – 10.12, đợt 2 từ ngày 21 - 22.12.
Cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, cấp bách
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong giai đoạn hiên nay.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi làm việc sơ bộ của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, các cơ quan hữu quan và thẩm tra sơ bộ, trong 5 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường có 4 nội dung đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến gồm:
Một là, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật. Phiên hop sẽ xem xét cụ thể sửa đổi bao nhiêu luật, bao nhiêu điều, những vấn đề nào cấp thiết để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và có những nội dung có chính sách mới cần thiết, cấp bách đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung nỗ lực để phục hồi và phát triển kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.
Hai là, cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng và cấp bách hiện nay. Một số nội dung trước đây đã được Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Lần này là chương trình tổng thể và nằm ngoài khung khổ của các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vay và trả nợ công trung hạn… Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung này nhằm tìm kiếm dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ nằm ngoài các khung khổ 5 năm, hàng năm đã có. Đây là những vấn đề quan trọng và hết sức hệ trọng, cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến cụ thể trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định.
Ba là, xem xét cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Đây là công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, báo cáo thẩm tra trước khi trình Quốc hội.
Bốn là cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Trung ương.
Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các nội dung của Chương trình hành động
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số vần đề thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa Chương trình hành động của Quốc hội để thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 161/2020/QH14.
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với việc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH12 ngày 31/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định các nội dung theo trách nhiệm, nhiệm vụ bao gồm: xem xét, cho ý kiến về chương trình công tác đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; công tác dân nguyện trong tháng 11 và nhiệm vụ trong tháng 12.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề cấp bách khác đã được Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định theo ủy quyền của Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, khác với quy định của Luật Hải quan. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, đây là sửa đổi tạm thời, chỉ áp dụng trong thời gian dịch bệnh.
Trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, do yêu cầu đặc điểm tình hình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức phiên họp thứ 6 thành hai đợt. Đợt 1 dự kiến kéo dài từ ngày 08 – 10/12 để tập trung cho ý kiến vào những nội dung quan trọng để xem xét trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường tới. Đợt 2 dự kiến kéo dài từ 21 – 22/12 để cho ý kiến và quyết định vào những nội dung khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, việc tổ chức thành hai đợt là vì yêu cầu phải sớm cho ý kiến về những nội dung liên quan đến kỳ họp bất thường của Quốc hội, để Chính phủ và các cơ quan thẩm tra có đủ thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng các báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự