Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận về Luật Dầu khí (sửa đổi)

Mai Thoa| 22/04/2022 07:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi cho ý kiến đối với dự án Luật dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10, UBTVQH đã có kết luận về dự án luật này.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 898/TB-TTKQH-KT thông báo kết luận với một số nội dung quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

202204210956394573_chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue.jpg

Phát triển kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 bảo đảm thời hạn theo quy định.

Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035,... cần rà soát, đổi mới cách tiếp cận, cơ cấu lại dự án Luật để bao quát toàn diện ngành dầu khí, tránh cách hiểu là Luật cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam;

Thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo rõ phạm vi điều chỉnh dự án Luật và đề xuất tên gọi phù hợp, tránh hiểu lầm và bảo đảm thống nhất giữa nội hàm và tên gọi; làm rõ nội hàm khái niệm “điều tra cơ bản” để thiết kế các điều khoản cho phù hợp, thu hút, phân bổ các nguồn lực tương xứng cho điều tra cơ bản và quản lý chặt chẽ sản phẩm từ điều tra cơ bản; lưu ý rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định điều tra cơ bản về dầu khí; hoàn thiện các quy định về tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; làm rõ tính chất tiếp nối cũng như tính độc lập tương đối của từng giai đoạn trong điều tra cơ bản về dầu khí.

Đồng thời rà soát lại các quy định về chính sách của Nhà nước về dầu khí để bảo đảm cụ thể, khả thi như quy định về chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí, hoạt động dầu khí, quy định về tiếp cận, sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí; có cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài;

Cùng với đó là các quy định đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ; tạo căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí, các nguồn dầu khí phi truyền thống như khí than, khí đá phiến… không để tình trạng chia cắt, khó tiếp cận do cơ chế điều tra cơ bản, quản lý khai thác cứng nhắc của các tập đoàn, tổng công ty. Cân nhắc bỏ quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí vì không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

202204211220455208_tong-thu-ky-quoc-hoi-chu-nhiem-van-phong-quoc-hoi-bui-van-cuong.jpg
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Rà soát các quy định về áp dụng Luật Dầu khí và các luật có liên quan để bảo đảm thống nhất, rõ ràng, cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí; áp dụng nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa Luật Dầu khí và các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các luật thuế…

Phân cấp quản lý rõ ràng

Tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước về dầu khí từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quá trình ra quyết định đầu tư; tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.

Hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bổ sung quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Kết luận cũng nêu cần phải cân nhắc thiết kế một Chương riêng về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để quy định rõ vị trí pháp lý của tập đoàn; quy định rõ phạm vi quyền gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của tập đoàn liên quan đển việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nghiên cứu sửa đổi tên Chương “Công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và chi phí hoạt động dầu khí” thành “Tài chính, tài sản dầu khí”; rà soát, hoàn thiện các quy định để bao quát công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán, tài chính, tài sản liên quan đến hoạt động dầu khí; Bổ sung Chương quy định về đấu thầu để quy định chặt chẽ, đầy đủ các trường hợp cụ thể, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực dầu khí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện Báo cáo thẩm tra chính thức, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 05/2022).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận về Luật Dầu khí (sửa đổi)