Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật căn cước công dân

PV| 13/03/2014 21:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục Phiên họp thứ 26, ngày 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật căn cước công dân. Về cơ bản, các đại biểu đồng tình cho rằng nội dung dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến.

Tuy nhiên cần tiếp tục rà soát những quy định để bảo đảm đúng với các quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ của công dân được pháp luật bảo hộ…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận thấy, về cơ bản, nội dung dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát những quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm thu thập và cung cấp thông tin cá nhân, những giấy tờ và thủ tục cần thiết khi làm căn cước công dân... để bảo đảm đúng các quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của Nhà nước, nhất là thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo hộ theo quy định của Hiến pháp.

Liên quan đến các quy định về chứng minh nhân dân, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ mối quan hệ giữa việc cấp chứng minh nhân dân với việc thực hiện cấp số định danh cá nhân và phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan để bảo đảm thống nhất, hiệu quả, khả thi trong các điều luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật căn cước công dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại cuộc họp sáng 12/3. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ban soạn thảo cần phải cân nhắc quy định “chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên” trong dự thảo Luật. Bởi, thực tế, hiện nay, ngoài chứng minh nhân dân, công dân còn có nhiều loại giấy tờ khác (hộ chiếu, giấy chứng minh sĩ quan quân đội và công an nhân dân, thẻ công chức, viên chức, thẻ học sinh…), nếu xác định chứng minh nhân dân là giấy tờ “duy nhất” sẽ có thể dẫn đến các loại giấy tờ trên mất tác dụng, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân (trong đó có công dân dưới 15 tuổi) mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, viên chức.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn thiện Tờ trình trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật căn cước công dân