Ngày 10/8, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức phiên họp thứ nhất để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
Quang cảnh phiên họp thứ nhất
Mở đầu phiên họp, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Chánh án phụ trách TAND cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về việc cử thành viên Ủy ban Thẩm phán. Theo đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội gồm 11 người, ngoài bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, còn có hai Phó Chánh án là ông Ngô Tiến Hùng và ông Trần Văn Tuân. Còn lại các ông, bà Ngô Anh Dũng, Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Cường, Bùi Thị Minh, Ngô Hồng Phúc, Trần Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Vinh Quang là các Thẩm phán cao cấp, giữ cương vị là các Chánh, Phó Chánh tòa chuyên trách TAND cấp cao tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã nêu bật tính trọng đại phiên họp thứ nhất của TAND cấp cao tại Hà Nội, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, TAND cấp cao được thành lập.
Ông Ngô Tiến Hùng, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã trình bày việc TAND cấp cao tại Hà Nội triển khai Nghị quyết 81/NQ-QH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định, các Tòa phúc thẩm TANDTC chuyển giao thẩm quyền xét xử phúc thẩm; các Tòa hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính TANDTC; các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cho các TAND cấp cao, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao thực hiện. Chánh án TAND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Đối với những bản án, quyết định của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực đã bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự quân khu và tương đương nhưng trước ngày 1/6/2015 mà vụ án chưa được xét xử thì giao cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đối với những bản án, quyết định của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động TANDTC nhưng trước ngày 1/6/2015 mà vụ án chưa được xét xử thì giao cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao có thẩm quyền theo lãnh thổ xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Theo Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TAND cấp cao thì hiện tại nước ta thành lập 3 TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, TAND cấp cao tại Hà Nội có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Hà Tĩnh trở ra Bắc.
Các thành viên chụp ảnh lưu niệm
Mặc dù nhân sự, trụ sở, lãnh đạo đơn vị, phòng ban chuyên môn… còn thiếu và chưa ổn định nhưng chiểu theo quy định pháp luật cùng khối lượng công việc quá lớn, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức phiên họp thứ nhất để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng. Vì vậy, trong hai ngày 10, 11/8, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử 9 vụ án về hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình do Chánh án TANDTC kháng nghị.