Ủy ban Chứng khoán nhà nước: Đấu thầu mua sắm trang thiết bị có trái quy định của Thủ tướng?

Nhóm PV| 30/08/2020 15:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, các gói thầu mua sắm trang thiết bị do Cục Công nghệ thông tin thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước tổ chức có nhiều dấu hiệu bất thường. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch, khách quan trong công tác đấu thầu.

Theo hồ sơ tài liệu, ngày 10/4/2018, Cục Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (Bộ Tài chính) ban hành Quyết định số 31/QĐ-CNTT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với gói thầu “Mua sắm, trang thiết bị CNTT tại cơ quan Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN)”. Quyết định do ông Đoàn Thanh Tùng, Cục trưởng ký với hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh qua mạng. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT; giá trúng thầu là 1.196.274.200 đồng, tiết kiệm được 87.725.800 đồng.

Đến năm 2019 và 2020, Cục này tiếp tục mời gói thầu “mua sắm, trang thiết bị CNTT tại cơ quan UBCKNN”. Đơn vị trúng thầu tiếp tục vẫn là Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT; giá trúng thầu là 2.154.416.000 đồng, so với giá dự toán gói thầu này tiết kiệm 31.784.000 đồng.

Tiếp đến, ngày 18/3/2020, Cục CNTT ban hành Quyết định số 24/QĐ-CNTT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu “Mua sắm, thay thế thiết bị CNTT cho cơ quan UBCKNN”. Đơn vị trúng thầu lần này là Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và giải pháp CMC với giá trúng thầu là 2.048.000.000 đồng, trong khi đó dự toán là 2.062.000.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm 14 triệu đồng.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước: Đấu thầu mua sắm trang thiết bị có trái quy định của Thủ tướng?

Trụ sở Ủy ban Chứng khoán Việt Nam

Không chỉ có tỷ lệ tiết kiệm ngày càng giảm dần với nhà thầu “quen mặt” mà  gói thầu do Cục CNTT tổ chức còn bị phản ánh ban hành, phê duyệt tiêu chuẩn, đơn giá mua sắm trang thiết bị vượt quá quy định do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Cụ thể, theo Quyết định số 24/QĐ-CNTT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC thể hiện: Trong danh mục mua sắm, thay thế trang thiết bị (đính kèm Quyết định số 24/QĐ-CNTT ngày 18/3/2020) ghi rõ hàng hóa là máy tính để bàn (PC) phổ biến, nhãn hiệu HP Desktop Pro G3, xuất xứ Trung Quốc, đơn giá dự thầu là 17,5 triệu, tổng 12 bộ là 210 triệu đồng.

Tuy nhiên, đối chiếu với Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn định mức sử dụng máy móc, thiết bị thì máy tính để bàn phổ thông chỉ được mua với giá không quá 15 triệu đồng/bộ.

Để làm rõ những phản ánh, phóng viên Báo Công lý đã có trao đổi với ông Đoàn Thanh Tùng, Cục trưởng Cục CNTT thuộc Ủy ban Chứng khoán. Qua trao đổi ông Tùng cho rằng nhà thầu Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT, Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC là những đơn vị có uy tín, năng lực trong lĩnh vực CNTT. Cục mở thầu qua mạng nên các đơn vị này thường xuyên tham gia đấu thầu các gói “Mua sắm, thay thế thiết bị CNTT của cơ quan UBCKNN”.

Đối với việc đơn giá mua sắm máy tính PC cao hơn quy định, ông Tùng lý giải sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Cục và Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC đã tiến hành thương thảo hợp đồng. Trong quá trình thương thảo có thể có điều chỉnh nhưng không được thương thảo về giá làm thay đổi bản chất của kết quả đấu thầu, tránh việc nhà đầu tư ép giá đối với đơn vị trúng thầu.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước: Đấu thầu mua sắm trang thiết bị có trái quy định của Thủ tướng?

Quyết định số 24/QĐ-CNTT ghi hàng hóa là máy tính để bàn phổ biến với đơn giá 17,5 triệu đồng.

Trả lời là vậy nhưng ông Tùng lại lập luận, cả quá trình mua bán, hai đơn vị có thể thương lượng. “Công ty CMC chào cả gói thầu thì đơn giá của máy này là 17 triệu. Tuy nhiên, Công ty CMC vẫn trúng thầu theo nguyên tắc là đơn vị đứng thứ nhất, thấp hơn giá tổng gói thầu và đáp ứng tất cả các yêu cầu. Sau khi ký hợp đồng, Cục CNTT và Công ty CMC tiếp tục thương lượng để nhà thầu giảm giá máy PC theo đúng quy định của Nhà nước”- Cục trưởng Tùng lý giải.

“Thương thảo hợp đồng đã giảm giá máy tính PC, theo đó mức giá giảm khoảng 20 triệu đồng. Chúng tôi đã mua với giá 14,5 triệu đồng/máy, giá này đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đồng thời không làm thay đổi bản chất của kết quả đấu thầu. Công ty CMC vẫn là đơn vị trúng thầu và cũng không làm tăng giá trị gói thầu”- ông Tùng lý giải thêm.

Từ cách lý giải của ông Tùng, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu Cục CNTT có đang trả lời theo kiểu “lòng vòng” và tiếp tục làm trái so với quy định tại Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Theo đó, về nguyên tắc thương thảo hợp đồng Nghị định 63 nêu rõ không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu và việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có).

Quy định là vậy nhưng Cục CNTT vẫn tiến hành thương thảo làm giảm đơn giá máy tính PC khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi Công ty CMC đã trúng thầu thì hồ sơ mời thầu phải đáp ứng đầy đủ nhất tất cả yêu cầu nhưng tại sao vẫn phải thương thảo sau khi có kết quả trúng thầu, liệu có “khuất tất” và “ưu ái” trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu của Công ty CMC ? Đồng thời, Cục CNTT thương lượng đơn giá liệu có thật sự không làm thay đổi kết quả trúng thầu hay số lượng các trang thiết bị trong gói thầu bị cắt giảm, thay thế để “đánh lừa” “xoa dịu” dư luận ?

Để làm rõ thông tin, xóa bỏ những hoài nghi về việc giảm giá máy tính PC, tại buổi làm việc phóng viên đã đề nghị được tiếp cận các tài liệu liên quan tới việc giảm giá, Cục CNTT hẹn sắp xếp làm việc, trả lời sau nhưng tới nay vẫn chưa có hồi âm.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Chứng khoán nhà nước: Đấu thầu mua sắm trang thiết bị có trái quy định của Thủ tướng?