Văn hóa - Du lịch

Ưu tiên đề cử UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Thục Anh (TH) 17/05/2023 - 16:57

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản số 1878/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thông báo lựa chọn ưu tiên của Việt Nam cho đợt xem xét hồ sơ của Ủy ban Liên chính phủ năm 2024 là hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Hiện nay, Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (13 di sản) và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2 di sản).

Các di sản phân bố ở 61/63 tỉnh, thành phố thuộc các dân tộc khác nhau, trong đó di sản tập trung nhiều nhất ở miền Bắc (10 di sản), tiếp đến là miền Trung (3 di sản) và Tây Nguyên (1 di sản). Miền Nam mới có 1 di sản được ghi danh là Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Như vậy, ở khu vực Nam bộ chưa có di sản của dân tộc thiểu số nào được ghi danh.

nghi-thuc-ruoc-ba-chua-xu-tu-dinh-nui-sam-ve-nhap-mieu-tho.jpg
Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu thờ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam có văn bản gửi UNESCO thông báo về lựa chọn ưu tiên của Việt Nam cho đợt xem xét hồ sơ của Ủy ban Liên chính phủ năm 2024 tới là hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - di sản thuộc đa loại hình: Lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm.

Nếu được ghi danh, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam có chủ thể là các dân tộc đa số và thiểu số.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh Sắc Thần Ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên đề cử UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam