Ứng xử trách nhiệm với thiên nhiên

Lan Đào| 05/01/2021 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để bảo vệ thiên nhiên, phục hồi những thương tổn của thiên nhiên, mỗi người cần suy nghĩ và ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường.

Cuối cùng những cơn bão lũ cũng đã rút hết khỏi miền Trung, để lại cho đồng bào vùng “rốn lũ” vô vàn những khó khăn trong quá trình tái thiết, chẳng khác nào những đợt thủy triều mới gặm nhấm dai dẳng cuộc sống của người dân.

Hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ước tính sơ bộ hơn 2,8 nghìn tỷ đồng là những con số Bộ NN & PTNT thống kê khiến chúng ta đau đớn khó quên.

Cùng với đó, nỗi kinh hoàng về những vụ sạt lở đất gắn với những cái tên như Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sỹ, vẫn còn ám ảnh nỗi tuyệt vọng trước sự mong manh của con người khi làm mẹ thiên nhiên nổi giận.

Cũng chính bởi hậu quả giống như những vết cắt đau đớn ấy, mà tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, rất nhiều nguyên nhân chủ quan đã được các ĐBQH chỉ ra, đó là tình trạng phá rừng bừa bãi không ngừng gia tăng, việc xây dựng công trình hạ tầng, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xây dựng các hồ, đập thủy lợi, thủy điện không được kiểm soát chặt chẽ đã tác động rất lớn gây ra thảm họa.

Tranh cãi trên nghị trường rồi cũng sẽ qua đi. Và tôi còn nhớ rõ khi truyền thông đặt bút chỉ ra những nguyên nhân gây thảm họa cho miền Trung thì hào khí ngút trời, nhưng khi nhấn nút xuất bản thì lấn cấn câu từ dùng sao cho thực sự đúng với bản chất của chủ trương.

Thế mới biết, nhận thức đúng để thay đổi là điều vô cùng hệ trọng, quyết định đến nhiều thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai. Đúng như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đã nói, sẽ còn những trận lũ lịch sử và những cột mốc tang thương nếu chúng ta không thay đổi cách làm, không nhận thấy những sai lầm trong quá khứ.

Thời gian vẫn không ngừng trôi, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất và nước biển dâng vẫn đang là những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới đời sống con người trên toàn thế giới và nhiều ý kiến đã cho rằng, đây cũng là hệ quả của việc con người tác động tiêu cực nghiêm trọng tới tự nhiên, tới hệ sinh thái trên Trái Đất trong nhiều năm qua.

Trong sự u ám về nỗi lo diệt vong của nhân loại không loại trừ 100 triệu đồng bào ta, thì thật đáng mừng và đáng khen khi mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát đi chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh, tương ứng với 5 triệu hec-ta rừng, trong 5 năm tới. Ban hành Chỉ thị để các cấp, ngành và toàn dân thực hiện, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ: “Bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài”.

Vậy là, người đứng đầu Chính phủ đã không bỏ sót điều gì từ tiếng nói của đại biểu và cử tri cả nước. Hơn thế, ông dường như đã thấu được thông điệp từ thiên nhiên. Khắc phục những sai lầm, trả lại những gì con người đã lấy từ thiên nhiên, giảm bớt những thảm họa thiên tai và cả những thảm họa nhân tai. Đó không chỉ là câu chuyện về môi trường, về sự vay -trả. Đó còn là câu chuyện chiều sâu về tư duy phát triển kinh tế bền vững trong thời buổi hội nhập.

Lan tỏa chủ trương đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh, góp phần thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong ngày đầu năm 2021 vừa qua cũng đã nói: “Để có thể bảo vệ thiên nhiên, phục hồi những thương tổn của thiên nhiên, tôi cho rằng tất cả chúng ta phải cùng suy nghĩ và ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường”.

Quả là vậy, nhận thức đã rõ, trên dưới đã thông, 100 triệu người Việt Nam cần thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” trên con đường phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.

Cùng nhau bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển. Trồng và bảo vệ cây xanh... đó là những việc làm không quá lớn lao nhưng lại thiết thực vô bờ mà người người, nhà nhà và mọi cấp, ngành đều có thể làm.

Âu đó cũng chính là ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên!

tn.jpg
Quảng Trị luôn làm tốt công tác trồng chăm sóc và bảo vệ rừng. Ảnh  Báo Nhân dân
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử trách nhiệm với thiên nhiên