Liệu pháp tế bào gốc là một trong các thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y học dự phòng Nhật Bản, giúp bổ sung các tế bào gốc khỏe mạnh, làm tăng số lượng các tế bào quan trọng bị giảm do bệnh tật.
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 26 diễn ra ngày 10/5 tại Hà Nội, Ban tổ chức Triển lãm, Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI) tổ chức Hội thảo - Tọa đàm với chủ đề: “Liệu pháp miễn dịch và tế bào gốc trong phòng chống, điều trị ung thư và bệnh tiểu đường - Các thành tựu trong y tế dự phòng Nhật Bản.”
Hội thảo là dịp giới thiệu các ứng dụng y học dự phòng công nghệ y học tiên tiến của Nhật Bản về Việt Nam, cập nhật các thành tựu mới nhất của y học dự phòng Nhật Bản với hy vọng mang đến cho người dân những biện pháp phòng chống và điều trị các bệnh một cách hiệu quả.
Tại hội thảo, GS.TS Nghiêm Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Hóa trị, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, theo thống kê của Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam, hiện cả nước có hơn 300.000 người Việt Nam đang phải chiến đấu với ung thư, mỗi năm có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết. Trong số các loại ung thư, ung thư gan đang dẫn đầu loại bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, kế tiếp là phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi.
Theo PGS Châu, phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp. Trong khi đó, hiện nay có nhiều liệu pháp tiến bộ đang được các cơ sở y tế áp dụng trong điều trị ung thư, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các chuyên gia Y tế hàng đầu của Nhật Bản và Việt Nam thảo luận tại hội thảo
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia y tế Nhật Bản đã giới thiệu về liệu pháp tế bào gốc trong điều trị ung thư, đái tháo đường. Ông Takaaki Matsuoka - Viện trưởng Trung tâm tế bào gốc Helene (Nhật Bản) cho rằng, tế bào gốc được đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật nhất của y tế dự phòng Nhật Bản những năm gần đây trong lĩnh vực phòng chống ung thư và các bệnh tim mạch.
Theo đó, các tế bào gốc tách từ mẫu tế bào của bệnh nhân sẽ được lựa chọn, hoạt hóa và nuôi cấy tại phòng nuôi cấy tế bào để đạt số lượng tăng trưởng và trạng thái tốt nhất. Sau đó, lượng tế bào gốc đã nuôi cấy được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân bằng phương pháp truyền vào tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào các khu vực cần điều trị.
Cũng theo ông Takaaki Matsuoka, liệu pháp có tác dụng rất tích cực trong điều trị và hỗ trợ điều trị ung thư thông qua khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Đây được kỳ vọng là phương pháp điều trị ung thư của tương lai, đem đến hy vọng tươi sáng hơn cho các bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới.
“Không chỉ là liệu pháp chống lão hóa tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, trị liệu bằng tế bào gốc còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh như các bệnh về thần kinh, viêm khớp gối, các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường và ung thư”, Viện trưởng Trung tâm Tế bào gốc Helene nhấn mạnh.
Hiện nay xu hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh, cùng với kết quả tuổi thọ trung bình của người Nhật cao nhất thế giới trong nhiều thập kỷ gần đây, Ban tổ chức mong muốn đưa các ứng dụng công nghệ y học dự phòng tiên tiến của Nhật Bản về Việt Nam nhằm cải thiện và nâng cao sức khoẻ của người dân.