Tại kỳ họp thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ của UNESCO vừa diễn ra ở Paris (Pháp) với 900 đại biểu của 129 nước tham dự, “Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh” đã được UNESCO đưa vào danh sách xem xét để vinh danh là “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Tại kỳ họp thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ của UNESCO, các đại biểu sẽ lần lượt xem xét các hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu và xin nhận hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn.
Hồ sơ đề nghị công nhận dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là một trong những hồ sơ được các chuyên gia thẩm định đánh giá cao và nhiều khả năng sẽ được đưa ra xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Hồ sơ đề cử “Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh” được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ.
Di sản đã được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê từ năm 2010 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; năm 2012, “Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh” được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Theo thống kê năm 2013, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca ví, dặm, có 75 nhóm dân ca ví, dặm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên.
Một tiết mục hát ví phường Nón tại Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh
Qua tìm hiểu và nghiên cứu về tính chất và môi trường không gian diễn xướng dân ca hò - ví - dặm các nhà nghiên cứu tìm thấy các đặc trưng diễn xướng của ví dặm Nghệ Tĩnh: Hát gắn với không gian và môi trường lao động. Hát mang tính du hý vào những dịp Hội hè, Tết nhất, Đình đám, thi thố tài năng. Tính giao duyên giữa những lứa đôi trai gái. Tính tự tình, nghĩa là mượn câu hát để bộc lộ nội tâm. Tính tự sự, dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xẩy ra. Tính chất tâm linh. Tính giáo huấn. Tính hành nghề (mưu sinh) đối với các phường trò chuyên nghiệp hoá. Tính đa dùng. Nghĩa là nó giàu tính biểu cảm. Tính phổ cập. Hầu như khắp mọi miền quê, trai gái trẻ già ai ai cũng có thể hát được.
Loại hình văn hóa dân gian đặc sắc
Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Ví thuộc thể ngâm vĩnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...)
Tính biểu cảm của hát ví tuỳ vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quãng 8. Điệu ví nghe mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm, hồn nhiên tươi trẻ.
Hát ví hát giao duyên nam nữ được phổ biến vùng Nghệ Tĩnh, các thế kỷ trước dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái, nhất là vào các đêm trăng sáng thường đi ngắm trăng. Hát theo lối tường thuật ngẫu hứng một câu chuyện nào đó trong quá trình lao động và nông nhàn, trong lối sống thường nhật lâu dần được dân gian hóa
Ví có nhiều điệu như: ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo...
Dặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ /vè 5 chữ), nói cách khác thì dặm là thơ ngụ ngôn /vè nhật trình được tuyền luật hoá. Khác với ví, dặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài dặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ (không kể phụ âm đệm). Tuy vậy, cũng có những bài dặm/ vè không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục hàng trăm câu, và mỗi câu cũng không nhất nhất 5 chữ mà có thể 4 hoặc 6,7 chữ (do lời thơ biến thể).
Dặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần bày giải. Cũng có loại dặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả dặm trữ tình giao duyên.
Hát dặm là một thể loại hát nói bằng thơ ngụ ngôn (thơ - vè). Âm nhạc đi theo thường là phách. "Dặm" có nghĩa là ghép vào, xen kẽ với nhau, thường 2 hay 3 người hát đối diện nhau hát.
Các làn điệu của hát dặm như: Dặm xẩm, dặm nối, dặm vè, dặm điên, dặm của quyền, dặm kể. Có các tiết tấu phách mạnh, phách nhẹ, những nhịp trong và ngoài. Có nhiều bài hát dặm rất nhiều người biết như: Giận mà thương, Hát khuyên, đại thạch, tứ hoa, xẩm thương, xẩm chợ, một nắng hai sương, tình sâu nghĩa nặng, em giữ lời nguyền, khóc cha, cuộc đời nổi trôi, ai cứu chàng, Con cóc, xoay xở, lập lờ, lập loè, đi rao, đèo bòng, khen Thầy tài, to gan, uất ức, bướm say hoa, chồng chềnh, lòng vả lòng sung, Vào hội đông xuân, đứng thẳng người lên, gốc lúa quầng trăng, cha ơi ngồi dậy mà xem, hỡi công nông binh, hò vượt sông...
Ví dặm trong cuộc sống đương đại
Những làn điệu dân ca ví, dặm như dòng sữa ngọt ngào đã nuôi dưỡng, tâm hồn, cốt cách của bao thế hệ người dân Nghệ - Tĩnh, trong đó có các bậc anh hùng dân tộc, danh hiền, chí sĩ, văn sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu... Đó một thể loại văn nghệ dân gian độc đáo với giai điệu trữ tình, đằm thắm, sâu lắng. Những làn điệu độc đáo của ví, dặm luôn hiện hữu và trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân xứ Nghệ-Tĩnh đã bao đời nay.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại" (dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh).
Hội thảo quy tụ các nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, bày tỏ quan điểm về mặt lý thuyết, phương pháp tiếp cận và thảo luận về những biện pháp thiết thực nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị dân ca nói chung và dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại.
Các nhà khoa học đều nhận định rằng, trong xã hội đương đại, quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới đang đặt dân ca của các dân tộc Việt Nam nói chung và dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh nói riêng trước những thách thức mới.
Nhiều nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian từng lo ngại, băn khoăn trước việc một số bà mẹ trẻ không còn biết hát ru con mà mở băng casset ru con. Không ít câu hỏi được đặt ra liệu dân ca có thể tồn tại trong xã hội đương đại, làm thế nào để bảo tồn và phát huy được giá trị của dân ca trong xã hội đương đại…
Từ thực tế trên, hội thảo đã tập trung nghiên cứu, thảo luận những nội dung quan trọng liên quan đến một số vấn đề lý thuyết, phương pháp tiếp cận dân ca, với tư cách là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu nghệ thuật và tính đa dạng của dân ca; sự biến đổi và sức sống của dân ca trong xã hội đương đại; bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca trong bối cảnh toàn cầu hóa, làm sao để dân ca Ví dặm thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, tiếp tục lan tỏa và trường tồn cùng với văn hóa dân tộc.
Các đại biểu mong muốn, sau hội thảo này, nhận thức về giá trị cũng như về ý nghĩa của việc phải bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung, dân ca và dân ca Ví dặm nói riêng của các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương được nâng lên; di sản này được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng quốc tế; đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo của loại hình dân ca này.