Ngày 11/8, tại phiên họp thứ 13, UBTVQH đã thông qua nghị quyết về việc thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán TAND và nghị quyết về việc thành lập TAND, VKSND thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Đã thí điểm và cơ bản được đồng thuận
Trình bày Tờ trình về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán TAND trên phạm vi cả nước, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thi hành quy định về việc tổ chức thực hiện thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán theo Nghị quyết của Quốc hội, Chánh án TANDTC đã tổ chức thi thiết kế trang phục để lựa chọn bộ mẫu trang phục áo choàng tay dài phù hợp nhất để làm trang phục xét xử thí điểm của Thẩm phán; đồng thời lựa chọn, quyết định các đơn vị Tòa án tổ chức thực hiện thí điểm ở cả 4 cấp Tòa án và đủ cơ cấu vùng miền trong phạm vi cả nước, đảm bảo việc đánh giá được khách quan, toàn diện.
Sau thời gian thực hiện thí điểm, TANDTC đã chỉ đạo tổng kết, xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm; báo cáo đánh giá tác động của việc thực hiện trang phục xét xử và trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán các TAND, trình UBTQH cho ý kiến thông qua.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp
Chánh án cũng cho biết thêm, qua thời gian thí điểm cho thấy, việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử tại các đơn vị Tòa án đạt kết quả tốt. Kết quả tổng hợp các ý kiến đóng góp đối với bộ mẫu trang phục xét xử thí điểm cho thấy, về cơ bản các Thẩm phán, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị thí điểm cũng như các luật sư, kiểm sát viên, nhà báo, công dân tham dự phiên tòa…đều nhất trí với bộ mẫu trang phục xét xử thí điểm là áo choàng tay dài màu đen; trang phục thể hiện được sự trang nghiêm, tính chuyên nghiệp, đồng bộ và đặc trưng của Tòa án.
TANDTC cũng đã có Báo cáo đánh giá tác động dự kiến nếu triển khai trên phạm vi cả nước thì kinh phí may sắm trang phục ước tính là 3.877.386.600 đồng/năm cho tổng số 6.521 Thẩm phán; nếu thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán TAND trên phạm vi cả nước sẽ không phát sinh vấn đề lớn về kinh phí.
TANDTC đề nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết này. Và để có thời gian chuẩn bị triển khai thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước, đề nghị quy định thời điểm bắt đầu thực hiện từ 1/1/2018. Niên hạn sử dụng của trang phục xét xử của Thẩm phán là 5 năm/2 chiếc, lần đầu cấp hai chiếc.
Thẩm tra Tờ trình, UBTP nhận thấy, TANDTC đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13. Việc thiết kế mẫu trang phục được tổ chức bài bản, chặt chẽ. Trước khi lựa chọn mẫu đưa vào thực hiện thí điểm đã tổ chức lấy ý kiến toàn ngành Tòa án. Các đơn vị được lựa chọn thí điểm bảo đảm tính đại diện cho các vùng, miền trong cả nước và ở cả 04 cấp Tòa án.
Số lượng Thẩm phán tham gia thực hiện thí điểm (chiếm 26,91% tổng số Thẩm phán) là phù hợp, bảo đảm đầy đủ các ngạch Thẩm phán. Quá trình tổng kết việc thực hiện thí điểm được tiến hành khách quan, lấy ý kiến của từng Tòa án và của từng Thẩm phán được lựa chọn thí điểm. Trước ngày 01/07/2017, TANDTC đã lấy ý kiến của 17 cơ quan, tổ chức về kết quả thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó, đã xây dựng và gửi Báo cáo tổng kết đến UBTVQH đúng thời hạn quy định.
UBTP đồng tình với đánh giá của Chánh án TANDTC về kết quả thực hiện thí điểm. Qua tổng kết cho thấy, mẫu trang phục xét xử thí điểm đạt được sự đồng thuận cao. Trang phục xét xử là áo choàng dài tay màu đen đã thể hiện sự trang nghiêm, tính chuyên nghiệp, tính đồng bộ và đặc trưng của TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Đồng thời, UBTP đề nghị TANDTC tiếp tục nghiên cứu kỹ ý kiến hợp lý của các TAND, các Thẩm phán và các bộ, ngành để hoàn thiện bộ trang phục khi được UBTVQH phê duyệt.
UBTP tán thành với đề nghị áp dụng thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán TAND là áo choàng dài tay màu đen. Tuy nhiên, UBTP đề nghị TANDTC nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý của các Tòa án, các Thẩm phán và các bộ, ngành hữu quan để lựa chọn chất liệu vải phù hợp với đặc điểm khí hậu của nước ta; về kích cỡ để phù hợp với vóc dáng của người sử dụng; về các họa tiết, phối màu để bảo đảm phân biệt rõ hơn trang phục của từng ngạch Thẩm phán. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu có hai loại trang phục xét xử là xuân – hè và thu – đông cho phù hợp.
Đề xuất tăng thêm số lượng trang phục
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với Tờ trình của TANDTC và đề xuất của UBTP về mẫu trang phục, chất liệu vải cho phù hợp và thời điểm áp dụng. Tuy nhiên, đối với những Tòa án đã thực hiện thí điểm thì nên tiếp tục, không nên để dừng chờ ngắt quãng đến 1/1/2018 mới thực hiện tiếp.
Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cho rằng, cơ bản thống nhất với Tờ trình của TANDTC và Báo cáo thẩm tra của UBTP. Tuy nhiên, niên hạn sử dụng 5 năm/2 chiếc cho mỗi Thẩm phán là quá dài với số lượng án được cấp phát ít như vậy. Nhiều Thẩm phán phải ngồi xét xử nhiều, nếu chỉ có hai chiếc áo trong thời gian dài như vậy sẽ bị cũ, bạc màu…Vì vậy việc này nên giao cho Chánh án quyết định số lượng trang phục tới từng Thẩm phán cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại phiên họp
Giải trình thêm về vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Quy định này liên quan đến kinh phí Bộ Tài Chính cấp. Tòa án rất muốn quy định nhiều hơn, tuy Tòa án phải cân đối với ngân sách được cấp hạn hẹp. UBTP cũng đã thẩm tra vấn đề này, mức kinh phí thực hiện, trong quá trình thực hiện TANDTC đã xin ý kiến Chính phủ và Bộ Tài chính nên hai cơ quan này cũng đã nắm được. Về trang phục, thí điểm một số vùng nắng nóng nhất ( như Ninh Thuận), thì thấy vẫn sử dụng được.
Liên quan đến ý kiến, khi tổ chức các phiên tòa lưu động, việc mang trang phục mới này sẽ rất nóng, không thuận tiện,…Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, hiện nay ý kiến của Thẩm phán và qua tham khảo một số nước, hiện cũng đang có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây, do điều kiện còn khó khăn, chúng ta phải đến tận nơi để xét xử, nhưng với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, không nhất thiết việc tiếp cận thông tin phiên tòa phải đến tận nơi.
Việc đưa phiên tòa lưu động đến các nơi xảy ra vụ án thì cũng có lợi về mặt tuyên truyền nhưng cũng có những bất lợi khác. Ví dụ như tính nghiêm minh của phiên tòa khi xử ngoài phòng xét xử. Thứ nữa là quyền con người theo quy định Hiến pháp, bị cáo đưa ra tòa chưa chắc đã có tội; nhưng “bêu” họ ra trước công chúng sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền của những người thân thích, cha mẹ, con cái…dù không có tội cũng phải chịu ảnh hưởng. "Như vậy là vi phạm quyền con người theo tinh thần Hiến pháp nên TANDTC sẽ có báo cáo về vấn đề này, xin không đưa phiên tòa lưu động vào một chỉ tiêu bắt buộc như Nghị quyết 37 của Quốc hội đã đề ra; không đưa phiên tòa ra ngoài xét xử như yêu cầu trước đây. Vì cũng có thực tế là sau xét xử xong, nhiều trường hợp các cháu học sinh là con của các bị can, bị cáo đã bỏ học nên việc xét xử lưu động cũng là vấn đề cần phải xem xét thêm", Chánh án cho biết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết việc thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán TAND. Thời điểm bắt đầu thực hiện từ 1/1/2018.
Cùng ngày, UBTVQH cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập TAND, VKSND thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Theo đó, để bảo đảm ổn định, đi vào hoạt động sau khi được thành lập, Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, đội ngũ công chức, Thẩm phán và trụ sở, cơ sở vật chất, các phương tiện làm việc của Tòa án nhân dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay.