UBTVQH thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức

Quốc Huy| 09/12/2020 18:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 9/12, UBTVQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.

UBTVQH cũng xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh, trong đó có việc thành lập TAND, Viện kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức.

Đề nghị thành lập thêm Tòa Kinh tế

Trình bày Tờ trình về việc thành lập TAND TP Thủ Đức, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trên cơ sở sáp nhập TAND quận 2, TAND quận 9 và Tòa án nhân dân quận Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

Thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ của Tòa án nhân dân TP Thủ Đức, bao gồm các vụ, việc thuộc thẩm quyền của TAND Quận 2, TAND Quận 9 và TAND quận Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh hiện nay.

201912171042014812_chanh-an-nguyen-hoa-binh-ok.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp

Về tổ chức bộ máy, có 04 Tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự; Tòa Dân sự; Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Hành chính) và bộ máy giúp việc.

Chánh án TANDTC đề nghị UBTVQH xem xét thành lập thêm Tòa Kinh tế của TAND TP Thủ Đức.

Lý giải vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay: Qua thống kê công tác xét xử cho thấy các vụ việc về kinh tế của 03 Tòa án phải giải quyết gần 1.100 vụ, việc/năm. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật tổ chức Tòa án nhân dân; tính đặc thù của TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh về quy mô phát triển kinh tế.

Về biên chế, số lượng Thẩm phán, TANDTC đề xuất UBTVQH giao bổ sung cho TAND TP Thủ Đức 180 biên chế (nằm ngoài tổng số biên chế đã giao cho TAND từ năm 2012 là 15.237 người), trong đó có 85 Thẩm phán (gồm 25 Thẩm phán trung cấp và 60 Thẩm phán sơ cấp).

Lý do đề xuất này, theo Chánh án, theo số liệu thống kê của TANDTC (từ năm 2016 đến năm 2020) sau khi được hợp nhất, số lượng vụ, việc TAND TP Thủ Đức sẽ phải giải quyết trung bình là 6,300 vụ, việc/năm, là Tòa án có số lượng vụ việc phải giải quyết đứng thứ 2 trong toàn hệ thống Tòa án (chỉ đứng sau TAND TP Hồ Chí Minh) ; số lượng các vụ, việc tăng đều năm sau cao hơn năm trước (tăng trung bình 10%/năm).

Hiện nay đội ngũ Thẩm phán của 03 Tòa án đang thể hiện quá tải. Với đặc thù về quy mô đơn vị hành chính, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Thủ Đức thì dự báo số lượng vụ, việc phải giải quyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Về số lượng Phó Chánh án TAND TP Thủ Đức theo đề xuất là không quá 04 người; Số lượng Phó Chánh tòa các Tòa chuyên trách và Phó Chánh Văn phòng không quá 03 người.

Về cơ sở vật chất, hiện tại, trụ sở của 03 Tòa án nhân dân (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) đều không đáp ứng được yêu cầu là trụ sở chính của Tòa án nhân dân TP Thủ Đức. Vì vậy, TANDTC đề nghị UBTVQH chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp đất sạch, có vị trí tại Trung tâm hành chính của TP Thủ Đức và bố trí đủ ngân sách để kịp thời khởi công xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân TP Thủ Đức với quy mô tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Tiếp đó, đại diện VKSNDTC trình bày Tờ trình về việc thành lập VKSND TP Thủ Đức trên cơ sở VKSND quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 thuộc TP Hồ Chí Minh; Giải thể VKSND quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 thuộc TP Hồ Chí Minh.

Về việc thành lập TAND TP Thủ Đức, Thường trực UBTP nhất trí với Tờ trình của TANDTC về việc thành lập TAND TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.

Về tổ chức bộ máy, ngoài các Tòa chuyên trách theo luật, TANDTC đề nghị UBTVQH quyết định thành lập thêm Tòa Kinh tế.

Thường trực UBTP tán thành với đề nghị của TANDTC; nội dung đã bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Tổ chức TAND, theo đó: “Trường hợp cần thiết, UBTVQH quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TANDTC”.

Về biên chế, số lượng Thẩm phán của TAND TP Thủ Đức, Thường trực UBTP nhận thấy, theo quy định của Luật Tổ chức TAND thì UBTVQH quyết định tổng biên chế của TAND theo đề nghị của Chánh án TANDTC sau khi có ý kiến của Chính phủ; căn cứ vào tổng biên chế đã được UBTVQH quyết định, Chánh án TANDTC phân bổ biên chế cho các đơn vị trực thuộc các TAND.

Thống nhất ban hành nghị quyết chung

Thảo luận nội dung này, các đại biểu cơ bản đồng tình với một số nội dung trong Tờ trình như việc kiện toàn bộ máy, xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp của TP Thủ Đức. Các ý kiến cũng cho rằng Thủ Đức có quy mô rộng lớn, thời gian tới cần tính đến việc chính quyền đô thị của TP cơ cấu ra sao, để là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh chứ không đơn thuần chỉ là TP trực thuộc. Hệ thống tư pháp cũng phải có quy mô phù hợp để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra…

202012091040485874_pct-tt-tong-thi-phong.jpg

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, các cơ quan chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, công phu.

Riêng về bộ máy tổ chức các cơ quan tư pháp, về cơ bản UBTVQH đồng ý về nguyên tắc tới đây sẽ có những đặc thù riêng cho cán bộ tư pháp tới của TP Thủ Đức so với cấp quận khác. Tuy nhiên, hiện chưa thể thực hiện ngay được do TP Thủ Đức có nhiều cơ quan và phải có sự đồng bộ cũng như đề xuất từ phía các cơ quan này.

Về vấn đề tăng biên chế theo đề xuất của TANDTC cũng vậy, sẽ để lại xem xét trong thời gian tới. Riêng về vấn đề nhân sự cấp phó TAND TP Thủ Đức và việc xây dựng trụ sở, UBTVQH tán thành với đề xuất của TANDTC; đề nghị ghi vào nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo TP Hồ Chí Minh, xem xét để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian tới đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã xin ý kiến UBTVQH về việc chỉ ban hành một nghị quyết chung, trong đó có các điều khoản riêng về các cơ quan tư pháp. Sau đó, UBTVQH đã thống nhất và biểu quyết thông qua Nghị quyết về viêc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường;

Giải thể TAND, VKSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND, VKSND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Giải thể TAND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TAND TP Thủ Đức, TP HCM. Đồng thời giải thể VKSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập VKSND TP Thủ Đức, TP HCM.

TAND TP Thủ Đức, VKSND TP Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, VKSND Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức