UBTVQH cho ý kiến Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội trong kỳ họp tới

Mai Thoa| 22/04/2014 21:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 22/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Phía cơ quan trình dự thảo Luật có sự tham dự của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và các Phó Chánh án TANDTC.

Theo đó, tại phiên họp, lãnh đạo TANDTC đã đưa ra xin ý kiến về một số nội dung quan trọng còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật gồm: Cơ cấu tổ chức TAND sơ thẩm khu vực; nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC; nhiệm kỳ và tuổi làm việc của Thẩm phán...

Nhiều nội dung nhận được đồng thuận

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng tình với nội dung và các quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật, nhất là phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Uỷ ban Tư pháp (UBTP) tán thành việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực như Phương án 1 (Điều 32) của dự thảo Luật, với các căn cứ đã được trình bày trong Tờ trình số 02/TTr-TANDTC ngày 31/3/2014 của TANDTC. Quy định của dự thảo Luật về tổ chức hệ thống TAND 4 cấp (TANDTC, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND sơ thẩm khu vực) theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính là cụ thể hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy định của Hiến pháp năm 2013.

UBTVQH cho ý kiến Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội trong kỳ họp tới

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp 

Với quy định, TANDTC phát triển án lệ như trong dự thảo Luật, UBTP cho rằng, điều đó phù hợp với chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Song, ở Việt Nam, “án lệ” cần phải xác định theo hướng khác với nhiều nước trên thế giới có án lệ; trong hệ thống pháp luật nước ta, quyết định giám đốc thẩm của TANDTC được coi là án lệ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật; các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật, để các Tòa án khác nghiên cứu, tham khảo và làm theo. Từ nhiều năm nay, TANDTC đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của  TANDTC và được coi là Văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Đây là hình thức rất có hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm, cần tiếp tục phát huy.

Về tuổi làm việc của Thẩm phán, đa số ý kiến cũng đồng tình với việc quy định kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán TANDTC. Cụ thể: Áp dụng khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động thì, Thẩm phán TANDTC là nam làm việc không quá 65 tuổi, là nữ làm việc không quá 60 tuổi. Đối với các Thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức khác theo quy định tại khoản 1, Điều 187 Bộ luật Lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi). Đồng thời, quy định rõ Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xem xét cụ thể về tuổi làm việc của Thẩm phán Tòa án quân sự, vì theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Điều 13) thì, tuổi làm việc của sỹ quan quân đội thấp hơn so với quy định của Bộ luật Lao động.

Tại phiên họp, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã trình bày quan điểm và sự cần thiết về việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên (GĐ&NCTN), Tòa Giản lược để các đại biểu cho ý kiến.

Từ nhiều năm nay, vấn đề thành lập Tòa này đã được quan tâm, nghiên cứu. TANDTC đã xây dựng Đề án thành lập Tòa GĐ&NCTN trình Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Việc thành lập Tòa GĐ&NCTN là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và xử lý NCTN phạm tội nói riêng. Bên cạnh đó, việc thành lập Tòa  này xuất phát từ đặc thù tâm lý của trẻ em, NCTN là đối tượng chưa hoàn thiện, dễ bị tổn thương, suy chấn tâm lý trước những tác động từ bên ngoài, kể cả từ phía cơ quan tiến hành tố tụng… Từ tình hình ngày càng nhiều NCTN bị xâm hại, cần có những biện pháp pháp lý để hỗ trợ, bảo vệ từ phía Tòa án, đặc biệt là những trường hợp bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bạo hành gia đình… Hơn nữa, việc thành lập Tòa này còn là một thiết chế để TAND thực hiện quyền tư pháp được giao.
Các đại biểu cũng nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo về sự cần thiết phải thành lập Tòa án này. Quy định như vậy là phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và quy định của Hiến pháp về quyền con người.

Bộ máy giúp việc đã được tinh gọn

Về cơ cấu tổ chức của TANDTC; chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc bộ máy giúp việc của TANDTC, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Trong dự thảo Luật, cơ cấu tổ chức của TANDTC được quy định theo hướng tinh gọn, có từ 13 đến 17 Thẩm phán như định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, không còn 3 Tòa phúc thẩm và 5 Tòa chuyên trách như hiện nay.

Phương thức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng được đổi mới theo hướng, có Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể với đầy đủ các thành viên là Thẩm phán TANDTC (hoặc theo phương án, việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải có ít nhất 5 Thẩm phán TANDTC. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được quá nửa tổng số thành viên có mặt biểu quyết tán thành).

Bộ máy giúp việc cũng được quy định theo hướng tinh gọn nhưng phải bảo đảm giúp TANDTC và Chánh án TANDTC tổ chức thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, dự thảo Luật quy định bộ máy giúp việc có 16 đơn vị cấp vụ, cơ bản kế thừa các đơn vị chức năng như hiện nay nhưng có điều chỉnh về tên gọi cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị và lập thêm một số đơn vị mới, trên cơ sở điều chỉnh lại nhiệm vụ của một số đơn vị hiện nay.

Đồng thuận với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nhận xét: Ban soạn thảo đã có sự chuẩn bị công phu, tiếp thu được phần lớn các ý kiến đóng góp lần trước, việc cụ thể hóa quy định Hiến pháp trong việc hoàn thiện các nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn và đề nghị làm rõ nội hàm, thẩm quyền của TAND trong thực hiện quyền tư pháp.

Đối với quy định, TANDTC có thẩm quyền phát triển án lệ, ông Lý cũng cho rằng, cần làm rõ hơn đây có phải là nhiệm vụ bắt buộc của TANDTC hay không, có tính quy phạm pháp luật không? Nếu mang tính bắt buộc chung thì ai quy định?

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhất trí với nhiều nội dung quy định trong dự thảo Luật như việc thành lập Tòa GĐ&NCTN; tăng tuổi nghỉ hưu đối với Thẩm phán TANDTC hay các quy định liên quan đến Hội thẩm nhân dân… Nhiều nội dung trình UBTVQH lần này tương đối tốt và có thể trình ra Quốc hội kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nội dung dự thảo chuẩn bị khá tốt, cần tiếp thu các ý kiến đóng góp trong phiên họp này để trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới, cố gắng làm sao để kỳ họp Quốc hội sau sẽ thông qua. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, một số nội dung cần làm rõ thêm như: Thẩm quyền xét xử; “nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo” nhưng chưa có quy định thực hiện như thế nào; Tinh thần cơ bản của dự thảo Luật được thể hiện theo tinh thần Hiến pháp như thế nào… cũng cần được làm rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội trong kỳ họp tới