UBTVQH: Cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp

Mai Thoa| 11/08/2017 15:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mục đích sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự thống nhất với một số văn bản luật mới được ban hành. Cùng với đó, quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 chưa bảo đảm thực hiện chế độ về đương nhiên xóa án tích; quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 (phiếu có nội dung án tích đã được xóa vốn chỉ được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình) bị lạm dụng; quy định liên quan đến xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn hạn chế; một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, hồ sơ dự án đã được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đầy đủ, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến.

UBTVQH: Cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày cũng đề nghị, hồ sơ dự án cần được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng hơn. Cụ thể, mặc dù số lượng điều luật được sửa đổi, bổ sung không nhiều, nhưng nội dung có sự thay đổi cơ bản so với luật hiện hành, ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng được điều chỉnh. Do vậy, đối với từng phương án sửa đổi cụ thể, báo cáo đánh giá tác động cần đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn.

Báo cáo cũng nêu rõ, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì pháp nhân thương mại cũng có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng xóa án tích nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Điều 89 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 446 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng có quy định về việc đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại.

Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp lại không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích với pháp nhân thương mại. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào dự thảo luật là yêu cầu bắt buộc, nhưng lại chưa thể thực hiện ở thời điểm hiện tại.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp, thông tin về lý lịch tư pháp bao gồm án tích và tình trạng thi hành án. Các thông tin về tình trạng thi hành án đối với pháp nhân thương mại và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin về thi hành án phải được quy định trong Luật Thi hành án hình sự.

Trong khi đó, dự kiến, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm và thông qua tại Kỳ họp thứ sáu. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 tới khi Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Thảo luận dự án Luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp mới chỉ đề cập tới thể nhân, chưa đề cập tới pháp nhân, như vậy là chưa bảo đảm tính thống nhất với các văn bản pháp luật mới được ban hành…

UBTVQH: Cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự mới có 33 tội danh liên quan đến pháp nhân. Do vậy, lý lịch tư pháp liên quan đến cả thể nhân và pháp nhân. Hơn nữa, lý lịch tư pháp còn liên quan tới cả dấu hiệu định khung, định tội khi thể nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp mà không bổ sung quy định về án tích của pháp nhân là còn thiếu, chưa đồng bộ với các văn bản pháp luật khác.

Vì vậy đề nghị, cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần rà soát lại tất cả các vấn đề mà các đại biểu đã nêu ra, hoàn thiện dự án luật, trình UBTVQH quyết định tại phiên họp tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH: Cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp