Tỷ lệ xét xử của Tòa án trong nhiệm kỳ 2016-2021 vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Bình Nguyên| 12/01/2021 11:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là một trong nhiều kết quả nổi bật của hệ thống Tòa án trong nhiệm kỳ đã được Ủy ban Tư pháp nêu rõ trong Báo cáo thẩm tra trình UBTVQH tại phiên họp sáng ngày 12/01.

Cụ thể, tỷ lệ giải quyết, xét xử án dân sự vượt 19,3%, án hình sự vượt 11,5% và án hành chính vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Hòa giải thành đạt tỷ lệ cao, tiết kiệm chi phí cho người dân

Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, số lượng vụ việc dân sự thụ lý tăng cao so với nhiệm kỳ trước (tăng 38,23%) và tính chất ngày càng phức tạp, song TANDTC đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết loại án này. Đã cơ bản khắc phục được việc để án quá thời hạn do nguyên nhân chủ quan, hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định.

img_4246.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại phiên họp UBTVQH sáng nay 12/1

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Giảm mạnh các bản án tuyên không rõ, khó thi hành (năm 2020 giảm 56,4% so với năm 2019). Cơ bản làm tốt công tác hòa giải, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân và xã hội, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều đạt trên 50% tổng số các vụ việc đã giải quyết (hoà giải thành khoảng 200 nghìn vụ mỗi năm).

TANDTC đã có các chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các Tòa án tập trung làm tốt công tác hướng dẫn đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu vụ án và chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo đảm tiến độ giải quyết án. Đã tổ chức hàng nghìn phiên tòa rút kinh nghiệm và giao chỉ tiêu tới từng Thẩm phán, qua đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử.

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định; riêng án kinh tế, tham nhũng, không có vụ án nào để quá thời hạn. Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Việc Tòa án bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật.

Việc cho các bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tiếp tục được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng (1.145 vụ/2.600 bị cáo), chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản.

Tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được Viện kiểm sát nhân dân chấp nhận đạt cao (9.141 vụ án), trong đó, nhiều trường hợp trả hồ sơ do phát hiện giai đoạn điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Qua xét xử, TAND các cấp đã ban hành nhiều kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội và được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.

Gia tăng đối thoại với chính quyền trong giải quyết án hành chính

Đối với công tác xét xử án hành chính, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao TANDTC đã ban hành nhiều Chỉ thị chuyên đề, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức tập huấn và tăng cường bố trí Thẩm phán có năng lực làm nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính. Do đó, mặc dù số lượng các vụ án hành chính phải thụ lý tăng cao so với nhiệm kỳ trước (tăng 42,76%), song đã khắc phục được nhiều hạn chế của công tác này. Tỷ lệ giải quyết án hành chính sau nhiều năm đạt thấp, thì đến năm 2020 đã giải quyết vượt 8,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

cn-le-thi-nga.jpg
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga tại phiên họp UBTVQH sáng nay 12/1

Việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện được các TAND chú trọng, tích cực giải thích pháp luật để các bên tự thống nhất hướng giải quyết, trên cơ sở đó nhiều trường hợp người khởi kiện đã tự nguyện rút đơn hoặc Chủ tịch UBND, UBND chủ động hủy bỏ, sửa đổi quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.

Theo Báo cáo, đến năm 2020, không còn vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc tuyên bản án không rõ, khó thi hành. Số lượng vụ án phải thụ lý, giải quyết tuy tăng cao, song tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với đầu nhiệm kỳ. TAND các cấp đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong giai đoạn thi hành án hành chính, đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 376 trường hợp, qua đó bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Cùng với đó, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ được Ủy ban Tư pháp đánh giá là có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về tiến độ và chất lượng giải quyết. Tỷ lệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết tăng qua các năm và tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ (tăng 26,2%). Các kháng nghị của Chánh án có thẩm quyền đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác tiếp công dân được chú trọng, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, góp phần giảm các khiếu nại bức xúc, kéo dài của công dân.

Về đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, được đại diện lãnh đạo TANDTC nêu rõ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một những nội dung được Tòa án tập trung ưu tiên trong nhiệm kỳ. Theo đó, việc đổi mới theo hướng bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của họ; Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;

Tiến hành tập huấn chuyên sâu về kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa; ban hành các Thông tư quy định về phòng xử án và Thông tư về việc tổ chức phiên tòa, bố trí lại vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Hàng năm, Chánh án TANDTC đều ban hành các Chỉ thị để yêu cầu đổi mới phiên tòa theo yêu cầu mới; xây dựng tiêu chí cụ thể của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; quy định về việc tổ chức phòng xét xử thân thiện khi xét xử các vụ việc gia đình và người chưa thành niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ xét xử của Tòa án trong nhiệm kỳ 2016-2021 vượt chỉ tiêu Quốc hội giao