Sáng 3/12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 11 đồng, hiện ở mức 24.240 đồng
Trên thị trường trong nước ngày 3/12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 11 đồng hiện ở mức 24.240 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 25.119 đồng - 25.452 đồng
Vietinbank: 25.055 đồng - 25.452 đồng
BIDV: 25.150 đồng - 25.452 đồng
Tỷ giá USD trên thị trường tự do giảm 20 đồng chiều mua và 10 đồng chiều bán ở mức 25.610 đồng - 25.720 đồng
Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,65%, đạt mức 106,39.
Đồng USD tăng trở lại trong khi đồng EUR quay đầu giảm vào phiên giao dịch đầu tuần.
Dữ liệu sản xuất mạnh mẽ của Mỹ từ bản báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng và S&P Global đã hỗ trợ đà tăng cho đồng bạc xanh. Tuy nhiên, bất chấp dữ liệu lạc quan nói chung, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller cho biết vào ngày 2/12 rằng ông vẫn ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vừa phải tại cuộc họp ngày 17 và 18/12
Sự gia tăng của đồng USD so với các loại tiền tệ vào phiên giao dịch vừa rồi diễn ra sau đợt giảm tuần đầu tiên của đồng tiền nước Mỹ kể từ tháng 11/2023.
Dữ liệu mới công bố một lần nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi, với hoạt động sản xuất của Mỹ được cải thiện vào tháng 11, đơn đặt hàng tăng lần đầu tiên sau 8 tháng.
Theo đó, Chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng đã tăng từ mức 46,5 vào tháng 10 lên mức 48,4 vào tháng 11, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7-2023. Trong khi đó, Chỉ số PMI sản xuất của S&P Global cũng tăng lên mức 49,7, từ mức ước tính ban đầu là 48,8.
“Với tình hình kinh tế vững chắc ở Mỹ, việc đồng USD tăng mạnh là điều dễ hiểu trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn”, Juan Perez, Giám đốc giao dịch tại Monex USA ở Washington, Mỹ nhấn mạnh.
Dữ liệu kinh tế tích cực góp phần thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao hơn và thậm chí làm giảm kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa.
Tuy nhiên, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller của Fed đã lưu ý rằng việc cắt giảm thêm vào cuối tháng này tại cuộc họp chính sách của Fed về cơ bản sẽ không thay đổi. Sau bình luận của ông Waller, thị trường đã nâng tỷ lệ nới lỏng 25 điểm cơ bản trong tháng này lên 79%, từ mức 66% vào cuối tuần trước, theo công cụ FedWatch của CME.
Đồng bạc xanh trước đó đã tăng giá khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, ngày 30/11, đã yêu cầu các nước thành viên BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác thay thế đồng USD, nếu không Washington sẽ áp thuế 100% với những nước có động thái như vậy.
Chìa khóa cho triển vọng lãi suất sẽ là báo cáo bảng lương tháng 11 dự kiến công bố vào cuối tuần này. Tỷ lệ thất nghiệp được dự kiến sẽ tăng từ 4,1% lên 4,2%