Tuyên y án sơ thẩm đối với cựu giám đốc TMV Cát Tường

Đoàn Nga| 11/09/2015 13:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, Nguyễn Mạnh Tường ôm mặt nức nở "Sự việc xảy ra bị cáo rất đau xót. Bị cáo mong HĐXX khoan dung, độ lượng với bị cáo".

Đúng 8h15 ngày 11/9, cựu giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường- Nguyễn Mạnh Tường và đồng phạm Đào Quang Khánh, được dẫn giải tới phiên phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội. Khác với vẻ tươi cười của nhân viên cũ, bị cáo Tường tới tòa với vẻ mặt căng thẳng, lo lắng.

Trước đó, ngày 5/12/ 2014, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, 5 năm tù tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tổng hình phạt cho cả hai tội là 19 năm tù giam. Cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù.

Bị cáo Đào Quang Khánh (bảo vệ của thẩm mỹ viện Cát Tường) lĩnh mức án 24 tháng tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, 9 tháng tù tội “Trộm cắp tài sản”. Tổng hình phạt cho cả hai tội là 33 tháng tù.

Về dân sự, tòa chấp nhận các khoản chi phi tìm kiếm, mai táng… tổn thất tinh thần. Tổng cộng số tiền bồi thường là 558 triệu đồng, đồng thời buộc bị cáo Tường cấp dưỡng nuôi 2 con của nạn nhân đến năm 18 tuổi.

Tuyên y án sơ thẩm đối với cựu giám đốc TMV Cát Tường

Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại phiên xét xử

Theo bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội, trưa ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đi xe máy đến thẩm mỹ viện Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ theo hợp đồng đã thỏa thuận trước. Nhân viên thẩm mỹ viện đã đưa chị Huyền vào phòng thử HIV và thử phản ứng thuốc tê thấy bình thường.

Đến 12h30, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường yêu cầu nhân viên pha 5 lọ thuốc gây tê, thử phản ứng thấy bình thường liền tiêm thuốc gây tê để tiến hành ca mổ.

Khi ca mổ kết thúc, chị Huyền được đưa ra ngoài phòng chờ. Khoảng 30 phút sau, thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép, bác sĩ Tường tiêm cho chị Huyền một mũi thuốc an thần loại Diafegam 10mg.

Đến khoảng 17h45 cùng ngày, thấy chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, không đo được huyết áp, nhân viên thẩm mỹ viện đã gọi điện cho bác sĩ Tường và được chỉ định tiêm cho chị Huyền hai ống thuốc trợ tim loại Adrenalin 2ml và hai ống thuốc chống dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy. Sau đó, Tường quay về thẩm mỹ viện để cấp cứu cho chị Huyền nhưng không có kết quả.

Sau khi chị Huyền tử vong, Tường đã cùng bảo vệ Khánh đem thi thể chị Huyền lên ôtô đưa đến Bệnh viện Bưu Điện nhưng thấy có nhiều người và do thi thể chị Huyền bị cứng nên không dám mang vào gửi. Khánh gợi ý mang xác chị Huyền ném xuống sông. Tường đồng ý và đi lên cầu Thanh Trì vứt xác nạn nhân Huyền.

Lợi dụng lúc mọi người không để ý, Khánh đã lấy trộm chiếc điện thoại iPhone 5 của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trị giá 12 triệu đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Tường kháng cáo toàn bộ bản án. Trong đơn kháng cáo, Tường kêu oan và cho rằng mức án quá nặng, cáo trạng có nhiều điểm truy tố chưa đúng.

Chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) cũng kháng án gửi đến TAND TP Hà Nội. Bà Hằng cho rằng, chiếc ôtô Tường sử dụng chở thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền từ thẩm mỹ viện Cát Tường lên cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng phi tang là tài sản chung của hai vợ chồng. Vì thế, việc HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tịch thu chiếc xe trên để sung công quỹ Nhà nước là không thỏa đáng, bà Hằng yêu cầu đòi lại nửa chiếc ôtô này.

Gia đình nạn nhân và bị cáo Đào Quang Khánh không kháng cáo.

Tới dự phiên xét xử, ngoài gia đình bị hại và những người liên quan còn có đại diện của bệnh viện Bạch Mai, đại diện Sở y tế Hà Nội.

Tại phiên tòa, bị cáo Tường vẫn giữ nguyên quyết định kháng cáo nhưng không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.

Mặc dù không có đơn kháng cáo nhưng Đào Quang Khánh vẫn được dẫn giải tới tòa với vai trò là nhân chứng. Tuy vậy, bị cáo Khánh lại bị thẩm vấn đầu tiên.

Theo lời khai của Khánh, do bản thân làm bảo vệ, chỉ ngồi bên ngoài trông xe nên không biết diễn biến như thế nào. Chỉ đến khi thấy y tá và nhân viên bên trong thẩm mỹ viện nhốn nháo, hoảng sợ kháo nhau về việc bệnh nhân tử vong Khánh mới biết. Khi được phân công vào dọn dẹp, thấy chiếc điện thoại iphone 5 của nạn nhân, Khánh nhanh tay “thó” luôn.

Cũng theo lời khai của Khánh, sau khi tiến hành cấp cứu nhưng không cứu được nạn nhân Huyền, Tường đã nhờ Khánh và một nhân viên của thẩm mỹ viện đưa xác nạn nhân vào bệnh viện Bưu Điện.

Theo lời khai của Khánh tại tòa, việc bàn bạc vứt xác nạn nhân là do Nguyễn Mạnh Tường. Sự việc được bàn bạc tại một quán cà phê, trong đó có sự có mặt của vợ Tường là Nguyễn Thị Hằng.

Tuyên y án sơ thẩm đối với cựu giám đốc TMV Cát Tường

Nguyễn Mạnh Tường được dẫn giải vào phòng xét xử

Anh Nguyễn Quang Thành – bác sĩ  bệnh viện Bạch Mai – nhân chứng của vụ án cho biết, là bạn của Nguyễn Mạnh Tường. Anh Thành nhận được điện thoại của Tường nhờ tới cấp cứu bệnh nhân nên anh đã cấp cứu hộ. 

Theo bác sĩ Thành, thời điểm cấp cứu thì chị Huyền đã không còn sự sống nữa. Anh Thành cũng cho biết, Tường có nhờ anh mang xác nạn nhân đến bệnh viện Bưu Điện. Tuy nhiên bác sĩ này đã từ chối.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, Nguyễn Thị Hằng- vợ bị cáo Tường cho biết, khoảng 17h ngày 19/10/2013, được chồng thông báo có khách hàng tử vong nên vội đến ngay Thẩm mỹ viện Cát Tường.

Cũng theo lời chị Hằng, khi biết chồng có ý định phi tang xác chị Huyền, chị đã can ngăn. Việc đi theo Tường khi bị cáo mang xác chị Huyền đi vứt cũng là nhằm mục đích ngăn chồng vứt xác bệnh nhân.

Tuyên y án sơ thẩm đối với cựu giám đốc TMV Cát Tường

Nguyễn Thị Hằng- vợ bị cáo Tường trả lời thẩm vấn của HĐXX

Tại tòa, chị Hằng vẫn giữ nguyên kháng cáo đề nghị được lấy lại giá trị của nửa chiếc ôtô đang bị tịch thu. "Xe mua từ năm 2012 bằng trả góp và tiền tiết kiệm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi muốn xin lại một phần chiếc xe để có thể trang trải, bù đắp thiệt hại cho gia đình nạn nhân".

Trái với lời khai của bảo vệ Khánh, bị cáo Tường “tố” ngược lại rằng “Bị cáo không có ý tưởng về việc vứt xác mà do Khánh đề xuất”.

Theo lời khai, nạn nhân Huyền đã tử vong trước khi Tường về thẩm mỹ viện và cùng một đồng nghiệp, 3 y tá tham gia cấp cứu. "Thời điểm đó không đo được mạch, huyết áp", bị cáo khai.

Tường cho hay trong quá trình bị tạm giam đã suy nghĩ nhiều nên đã thay đổi nội dung kháng cáo. "Chỉ vì một chút sơ suất mà để xảy ra sự việc vậy. Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ để bị cáo sớm về với vợ con. Trong cả quá trình công tác bị cáo chưa để xảy ra sai sót gì. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, cống hiến, cho xã hội", Tường liên tục lau nước mắt khi trình bày.

Đại diện gia đình bị hại, ông Lê Văn Viễn  cho rằng, tòa cấp sơ thẩm để lọt tội phạm. Lê Thị Thúy Mai đã có sự bàn bạc với Tường trong việc phi tang xác nạn nhân.

Anh Nguyễn Hữu Huy – chồng của nạn nhân đề nghị xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong khi đó, mẹ của bị hại bà Nguyễn Thị Hiền thì cho rằng, nếu Tường có trách nhiệm thì con gái của bà không bị chết tức tưởi. Bà nhắc lại việc Tường đôi co “tay đôi” với tòa cấp sơ thẩm gây nên sự bức xúc, đau đớn cho gia đình bị hại.

Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ nạn nhân Huyền, nhẹ nhàng trình bày: "Tại phiên sơ thẩm anh Tường đã liên tục cãi. Nếu anh Tường có lương tâm thì con tôi đã không như vậy. Dù không thoải mái với mức án nhưng chúng tôi đã không kháng án. Chúng tôi cũng nghĩ cho mẹ già, con còn chưa lớn của anh ta. Chúng tôi chỉ mong phiên toà này là phiên cuối cùng để chúng tôi không phải chịu những đau đớn khác nữa".

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng tại phiên phúc thẩm lời khai của Tường không có gì mới. Việc tòa sơ thẩm tuyên tịch thu chiếc ô tô, phương tiện chở xác chị Huyền, là chính xác. Vì thế, cơ quan công tố đề nghị giữ nguyên các phán quyết của án sơ thẩm.

Luật sư Chu Thị Trang Vân, bảo vệ cho bị cáo Tường cho rằng việc chị Huyền tử vong là "rủi ro không ai muốn". Bị cáo đã thực hiện nhiều thao thác cấp cứu song bất lực nên hoang mang, không đủ bình tĩnh.

"Trước khi xảy ra vụ án, Tường là bác sĩ tốt, chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ nên phải ra trước vành móng ngựa hôm nay. Kính mong toà xem xét tới nhân thân của bị cáo, việc thay đổi toàn bộ kháng cáo và đã nhận tội cho thấy Tường ăn năn, hối cải", luật sư Vân trình bày.

Được nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, Nguyễn Mạnh Tường ôm mặt nức nở "Sự việc xảy ra bị cáo rất đau xót. Bị cáo mong HĐXX khoan dung, độ lượng với bị cáo".

Căn cứ vào các chứng cứ và thẩm vấn tại phiên tòa, xét thấy lời khai của bị cáo Tường tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai trước đây. Vì vậy, HĐXX có đủ cơ sở kết luận:

Việc vợ chồng Nguyễn Mạnh Tường mở thẩm mỹ viện Cát Tường và khám chữa bệnh cho chị Huyền là vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, trái pháp luật. Kháng cáo của bị cáo là không có căn cứ. Hậu quả chết người tại cơ sở thẩm mỹ viện, Nguyễn Mạnh Tường phải chịu trách nhiệm.

Về kháng cáo đòi lại nửa chiếc xe ô tô mà Tường sử dụng chở xác nạn nhân đi vứt là không có căn cứ. Bởi chị Hằng cũng tham gia vào quá trình đưa xác nạn nhân đi phi tang.

Vì vậy, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Mạnh Tường và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo đó, tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, 5 năm tù tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tổng hình phạt cho cả hai tội là 19 năm tù giam. Cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù.

Tịch thu, sung công quỹ chiếc ô tô mà Tường sử dụng chở xác nạn nhân Huyền đi phi tang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên y án sơ thẩm đối với cựu giám đốc TMV Cát Tường