Ngày 20/4, Trung tâm Dược lý lâm sàng - Trường Đại học Y Hà Nội thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị đái tháo đường type 2.
Theo đó, Trung tâm đang phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai nghiên cứu "thử nghiệm lâm sàng phase II, ngẫu nhiên, mù đôi, nhóm song song, đối chứng với giả dược để xác định tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm Andiabet trong điều trị đái tháo đường type 2".
Đây là một nghiên cứu khoa học với các dữ liệu thu được từ nghiên cứu sẽ được sử dụng nhằm mục đích khoa học, giúp mang lại lợi ích cho các bệnh nhân mắc đái tháo đường ype 2 trong tương lai.
Khi tham gia nghiên cứu, các tình nguyện viên sẽ được hưởng những lợi ích nhất định khi thuốc có tác dụng giảm glucose máu và cải thiện cấu trúc vi thể của tụy. Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng sẽ được các bác sỹ chuyên khoa nội tiết – đái tháo đường của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tư vấn các vấn đề khác liên quan đến chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống tích cực trong quá trình điều trị đái tháo đường tuyp 2.
Quyền lợi của tình nguyện viên, họ được khám, theo dõi và chăm sóc bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được tư vấn các vấn đề khác liên quan đến chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống tích cực trong quá trình điều trị đái tháo đường tuyp 2.
Người tham gia được hỗ trợ tiền xét nghiệm cho các xét nghiệm chỉ định trong nghiên cứu. Tình nguyện viên được hỗ trợ tiền đi lại cho các lần thăm khám trong nghiên cứu, tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân.
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai. Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
GS.TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết thông tin so với các nước khu vực, đến năm 2045, số người đái tháo đường ở Việt Nam sẽ tăng 78,5 % tương đương gần 6,3 triệu người; Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore tăng ít hơn, từ 37 đến 48%. Trong khi đó, số người bệnh tiểu đường ở Nhật Bản sẽ giảm khoảng 10%.
Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc đái tháo đường mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm.
Đái tháo đường là tình trạng tăng glucose trong máu, là bệnh mạn tính, không thể chữa lành. Việt Nam có đến 55% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng, chủ yếu là tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng.
Tình hình kiểm soát đái tháo đường ở Việt Nam còn nhiều thách thức, chỉ có hơn 31% người đái tháo đường được chẩn đoán; và trong số bệnh nhân được chẩn đoán chỉ có gần 29% người được điều trị.
"Số được điều trị đã không nhiều, số được điều trị đạt yêu cầu cũng nhỏ. Đây là bức tranh không sáng sủa với đái tháo đường ở Việt Nam", GS. TS Trần Hữu Dàng nói.