Tựu trường rồi, gắng để cùng nhau đi

Chính Tâm| 07/09/2021 09:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một mùa tựu trường lại đến. Trong sự nô nức đón chào năm học mới của phần lớn học sinh, thì sự ngơ ngác, khát khao được quay trở lại lớp học của một bộ phận con, cháu ta còn đang “mắc kẹt” trong những vùng đỏ, phong tỏa, cách ly, điều trị bệnh Covid-19 khiến chúng ta không khỏi day dứt.

tuu-truong-roi-gang-de-cung-nhau-di.jpg
Tựu trường rồi, nhưng chúng ta cũng sẽ không bỏ qua những nơi còn phải “lùi”, còn “kẹt” để cùng nhau vững vàng, tiến về phía trước. Ảnh minh họa

Không có cuộc chiến nào không có mất mát thương đau. Và chúng ta đang trải qua những ngày không hề muốn. Vẫn nói với nhau rằng, cả thế giới đang chiến đấu với đại dịch ghê gớm và nhiều nước kể cả những quốc gia tiềm lực, lớn mạnh hơn ta cũng đã trả giá đắt, nhưng có lẽ giờ đây chúng ta mới thực sự thấm thía khi đang trải qua những ngày tàn khốc nhất từ khi dịch xuất hiện và bùng phát đến nay. Tính đến 18h ngày 6/9, số ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Việt Nam là 536.788 ca, số ca tử vong là 13.385 người, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Nỗi đau ấy dường như hiện hữu hơn khi hôm 5/9, tiếng trống trường đã vang lên nhiều nơi. Một mùa tựu trường lại về. Trong sự nô nức đón chào năm học mới của phần lớn học sinh, thì sự ngơ ngác, khát khao được quay trở lại lớp học của một bộ phận con, cháu ta còn đang “mắc kẹt” trong những vùng đỏ, phong tỏa, cách ly, điều trị bệnh khiến chúng ta không khỏi day dứt.

Không chỉ đối mặt với sự khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến cho nhiều thày, trò không thể học tập đúng khung thời gian chương trình của Bộ GD&ĐT, mà sự thật chúng ta chứng kiến còn tàn khốc hơn, đó là ly tán của nhiều gia đình, trong đó có sự chia cắt và cả sự chia lìa giữa sống và chết. Dịch bệnh tàn ác cướp đi mạng sống của thày, cô, học sinh và phụ huynh chỉ trong tích tắc một tin báo. Vợ mất chồng, cha mất con ngay cả khi còn chưa kịp biết nơi điều trị của nhau. Cuộc chiến này cả thế giới phải đương đầu, cũng là cuộc chiến giành giật sự sống của từng người, từng em nhỏ khi vô tình trở thành các F. Sự ra đi đột ngột của người thân khiến nhiều người bàng hoàng không thể chấp nhận cái chết đến không còn theo quy luật đời người “sinh lão mệnh tử” nữa.

Nhưng giờ đây không phải lúc chúng ta gặm nhấm nỗi đau. Cần phải kiên cường để hệ thống giáo dục không bị đình trệ, vững vàng trước đại dịch. Ngành Giáo dục vốn đã có một tốc độ phát triển “khiêm tốn” giờ lại phải đối mặt với những thách thức chưa bao giờ có, chưa từng tiên lượng, giờ đây xuất phát chậm cũng đồng nghĩa chúng ta tiếp tục thụt lùi. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần thích ứng để vững vàng.

Người đứng đầu ngành Giáo dục đã khẳng định, cần phải chuyển trạng thái để ứng phó chủ động và thích nghi với dịch bệnh dự kiến còn kéo dài, tập trung để làm tốt cả hai việc: Cố gắng theo đuổi mục tiêu chất lượng và đảm bảo an toàn cho thày và trò.

Trong bối cảnh, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm “dừng đến trường, không dừng học” là nhiệm vụ không dễ thực hiện. Và 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã phải quyết định lùi ngày khai giảng năm học mới.

Câu chuyện không thể triển khai chương trình giáo dục đồng nhất tại 63 tỉnh thành theo một khung thời gian là điều chưa từng xảy ra đối với ngành Giáo dục. Nhưng cân nhắc kỹ thì dù có tựu trường rồi, hay lùi thời gian khai giảng ở một số địa phương vào thời điểm này cũng chỉ là cột mốc tương đối.

Khai trường rồi, học sinh đi học ở vùng tâm dịch cũng lo lắng trăm bề, làm sao để các em được an toàn, khỏe mạnh đến trường. Ngay cả những địa phương không phải là tâm dịch thì việc quay trở lại trường học trực tiếp cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Đã có trường hợp cô giáo mắc Covid-19 và sau ngày tựu trường, 3 học sinh cũng trở thành F0.

Việc học trực tuyến nghe có vẻ an toàn hơn và đã được các thầy cô giáo, học sinh và cả phụ huynh dần thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng với học sinh lớp 1 thì đầy bỡ ngỡ, bởi các bé cần được uốn nắn, thậm chí là cần có thầy cô giáo trực tiếp cầm tay dạy viết những nét chữ đầu tiên. Việc chuẩn bị đầy đủ phương tiện (điện thoại thông minh, máy tính, kết nối internet) trong điều kiện giãn cách xã hội vượt quá khả năng của không ít phụ huynh, nhất là với những gia đình là lao động nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa cuộc sống thường ngày vốn đã hết sức bấp bênh.

Năm học này cũng sẽ là năm các trường tiểu học, THCS trên cả nước thực hiện chương trình lớp 1, lớp 6 mới, các con còn chưa được được hướng dẫn phương pháp học tập mới của sách mới. Tất cả chỉ qua màn hình kích cỡ khác nhau, thậm chí là âm thanh, hình ảnh cũng không đồng nhất vì đường truyền ở những khu vực khác nhau. Đây chính là nguyên nhân khiến phụ huynh và cả giáo viên ngay cả khi con tựu tường rồi vẫn “ngổn ngang trăm mối”.

Hơn lúc nào hết, vai trò của Bộ GD&ĐT cũng như hệ thống giáo dục công-tư trên cả nước và chính quyền các địa phương là hết sức quan trọng. Cần có chương trình dạy và học phù hợp với hướng dẫn cụ thể. Làm sao thiết kế, xây dựng chương trình chung về dạy và học online để các em học sinh đều có thể tiếp cận một cách bình đẳng. Thay đổi hình thức dạy và học nhưng vẫn duy trì hiệu quả, chất lượng việc học tập, đảm bảo mục tiêu đã đề ra… là những vấn đề hàng đầu ngành Giáo dục phải nỗ lực hết sức và phải làm bằng được.

Cùng với đó, lãnh đạo địa phương cần hết sức chú trọng dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập, không để bạn nhỏ nào bị dừng hay thất học. Ở những địa phương lùi năm học mới, không để khoảng thời gian chết mà cần sáng tạo, vận dung linh hoạt để tạo thói quen học tập cho các em học sinh, nhất là ở cấp tiểu học.

Các lực lượng phòng, chống dịch cần tiếp tục làm hết sức bảo vệ cho các thầy cô giáo và các em học sinh an toàn trước dịch bệnh.

Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói ngày các em tựu trường, hơn lúc nào hết, toàn xã hội, tất cả các lực lượng, dù là công hay tư phải vượt qua tất cả những ràng buộc, kể cả cơ chế hay trong suy nghĩ để làm sao kiểm soát, dập được dịch sớm nhất, đem lại cuộc sống bình thường mới cho nhân dân, để trẻ em sớm được quay lại trường học.

Có như thế, tựu trường rồi, nhưng chúng ta cũng sẽ không bỏ qua những nơi còn phải “lùi”, còn “kẹt” để cùng nhau bình đẳng vượt qua, vững vàng tiến về phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tựu trường rồi, gắng để cùng nhau đi