Tường thuật ĐHĐCĐ SBS: Có sáp nhập với CTCK Phương Nam?

26/03/2014 09:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 26/03, CTCK NH Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2014 để thông qua kết quả tái cấu trúc năm 2013 cũng như chiến lược tiếp tục tái cấu trúc năm 2014.

11h10: Thông qua các tờ trình

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình về phương án tiếp tục tái cấu trúc, kết quả kinh doanh 2013 và định hướng 2014, thông qua chính sách xử lý nợ xấu.

11h05: Kết thúc thảo luận

Đại hội tiến hành biểu quyết thông qua các tờ trình.

Ban kiểm soát báo cáo cập nhật về tỷ lệ tham gia biểu quyết là 73.9% .

11h00: Rút vốn đầu tư khỏi Chứng khoán Lanexang tại Lào

Về việc rút vốn khỏi Lào, ông Huỳnh cho biết, vốn bỏ sang Lào là chỉ là gửi ngân hàng ( 4-5 ngân hàng nhỏ, thanh khoản thấp) mà thời hạn phải sau 3 năm mới được lấy lại được. Cho nên việc rút vốn ở Lào, SBS sẽ tìm đối tác bán lại để đưa vốn về SBS. 

Đối với, kế hoạch kinh doanh 2014, Ban điều hành SBS cho biết không hề khiêm tốn như cổ đông nghĩ. Vì đối với SBS, kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào việc xử lý nợ chứ hoạt động từ kinh doanh chứng khoán chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

“Việc thị trường đi lên chỉ hỗ trợ một phần trong bức tranh lấy thu bù chi của SBS”, ông Huỳnh cho biết.

10h45: SBS sẽ sáp nhập cùng CTCK Phương Nam?

Đại hội tiến hành thảo luận.

TGĐ Phan Quốc Huỳnh cho biết, SBS không hề vay tiền của bất cứ tổ chức nào trong quá trình xử lý nợ xấu năm 2013. Khó khăn nhất của SBS hiện nay là chưa được cho vay margin vì lỗ lũy kế. Vì thế, chắc chắn công ty sẽ tìm một CTCK khác sáp nhập để thực hiện xóa lỗ lũy kế trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện sáp nhập, SBS sẽ cố gắng xử lý nợ xấu hết khả năng, sau đó mới đánh giá xem là đã đạt được gì, còn lại cần làm gì thì mới tính đến phương án sáp nhập (xin ý kiến cổ đông bằng văn bản).

Đối với thông tin về khả năng sáp nhập với CTCK Phương Nam (PNS) gần đây, ông Huỳnh cho biết hiện chưa có văn bản nào về việc này. Tuy nhiên, ông Huynh cũng cho biết CTCK Phương đang phát triển rất lành mạnh nên chưa chắc họ đã muốn sáp nhập.

Về phía SBS, ông Huynh cho biết "lúc trước SBS và CTCK Phương Nam có làm việc với nhau để nâng cao tỷ lệ an toàn tài chính của SBS lên, nhưng sau khi tính toán lại thì chúng tôi thấy không ổn cho việc sáp nhập vì Chứng khoán Phương Nam không phải là công ty lớn".

Được biết, vào ngày hôm qua (25/03), ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng Sacombank (HOSE: STB) đã thông qua chủ trương nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southerbank - PNB). Sacombank hiện đang sở hữu gần 11% vốn SBS.

10h38: Ông Phan Quốc Huỳnh và ông Trần Minh Trung trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2010- 2014.

Ông Phan Quốc Huỳnh là một thành viên mới xuất hiện tại SBS từ năm 2013 ở vị trí Tổng giám đốc. Trước đó ông từng công tác tại Ngân hàng Vietinbank (HOSE: CTG), CTCK Vietinbank (HNX: CTS) và sau đó là 3 năm công tác tại CTCK Phương Nam (PNS) ở vị trí Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc.

Ông Trần Minh Trung đã có 8 năm gắn bó cùng SBS và kênh qua nhiều vị trí từ Phó phòng Môi giới, trợ lý Tổng giám đốc, Tổng giám đốc SBS Campuchia, Phó Tổng giám đốc SBS.

 

Tường thuật ĐHĐCĐ SBS: Có sáp nhập với CTCK Phương Nam?

Ông Phan Quốc Huỳnh (trái) và ông Trần Minh Trung (giữa) nhận hoa chúc mừng tại Đại hội

10h00: Tổng giám đốc và Phó Tổng được đề cử vào HĐQT

HĐQT xin ý kiến cổ đông về việc bầu bổ sung 2 thành viên mới để đảm bảo số lượng Thành viên HĐQT nhằm thay thế cho các thành viên HĐQT đã có đơn từ nhiệm là ông Kiều Hữu Dũng (Chủ tịch từ nhiệm ngày 19/08/2013, ông cũng vừa trúng cử vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank ngày hôm qua - 25/03/2014), ông Phạm Nhật Vinh (Phó Chủ tịch); Thành viên HĐQT Võ Duy Đạo, Thành viên Mạc Hữu Danh và Thành viên Hoàng Mạnh Tiến cùng có đơn xin từ nhiệm ngày 18/03/2013.

Hai ứng viên mới được đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ là ông Phan Quốc Huỳnh (Tổng giám đốc SBS từ 04/2013) và ông Trần Minh Trung (Phó Tổng giám đốc SBS từ tháng 01/2014).

09h20: Tháng 4/2014 sẽ lên sàn UPCoM

Ban điều hành cho biết nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 4/2014, SBS sẽ chính thức quay trở lại sàn UPCoM. 

09h10: Thua lỗ nặng vì nợ

Ban điều hành công ty báo cáo quá trình tái cấu trúc, nhấn mạnh nợ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến công ty chịu thua lỗ nặng trước đó. Những khoản đầu tư hàng trăm tỷ đồng của công ty đến nay nếu thanh toán chỉ nhận vài tỷ đồng.

Đây chính là những khó khăn mà SBS phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay. 

08h45: Đại hội khai mạc với tỷ lệ 73.25% số cổ phần có quyền biểu quyết tham gia đại hội.

 

Tường thuật ĐHĐCĐ SBS: Có sáp nhập với CTCK Phương Nam?

ĐHĐCĐ thường niên 2014 của SBS ngày 26/03/2014

Trước thềm đại hội

Tái cấu trúc tập 2, hợp nhất cùng 1 CTCK

Sau quá trình thực hiện tái cấu trúc công ty trong năm 2013 để khôi phục hoạt động, CTCK NH Sài Gòn Thương Tín (SBS) cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc để cân đối chi phí và tiến tới hoạt động ổn định.

Theo đó, HĐQT SBS cho biết sẽ thực hiện tái cấu trúc thông qua các bước sau trong năm 2014:

  • Thứ nhất, SBS sẽ thực hiện phương án rút vốn đầu tư, thanh lý hoặc giải thể Công ty liên doanh Chứng khoán Lanexang tại Lào để tập trung nguồn lực tài chính cho SBS.
  • Thứ hai, xây dựng phương án tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực cạnh tranh vốn tự có khi điều kiện cho phép.
  • Thứ ba, lên kế hoạch hợp nhất với một công ty chứng khoán khác để đẩy nhanh việc thực hiện xóa lỗ lũy kế.
  • Cuối cùng, tiếp tục tái cấu trúc các khoản nợ, bao gồm các khoản phải thu, danh mục đầu tư tài chính còn tồn đọng, các khỏa hợp tác đầu tư để tận thu, nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng.

Trong năm 2013, đề án tái cấu trúc của SBS đã thu được những kết quả đáng chú ý như đưa tỷ lệ an toàn vốn khả dụng đạt trên 188% và được UBCK đưa khỏi diện kiểm soát đặc biệt từ 06/03/2014; tinh gọn bộ máy nhân sự còn 82 người (31/12/2013) từ 124 người vào đầu năm hay hoàn thành việc đóng cửa Công ty con tại Campuchia và thu hồi vốn.

Đáng chú ý nhất trong tái cơ cấu của SBS năm qua là việc xử lý thành công 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ). Theo đó, SBS đã thực hiện thanh toán 300 tỷ TPCĐ và 104 tỷ đồng tiền lãi cho trái chủ. 500 tỷ TPCĐ còn lại được SBS mua lại với giá 132 tỷ đồng, qua đó xử lý được công nợ phải trả.

Đối với hoạt động xử lý nợ, SBS đưa ra kế hoạch thực hiện thành lập Ban xử lý nợ tự phê duyệt các trường hợp miễn, giảm nợ gốc và/hoặc lãi để đảm bảo lợi ích tối đa cho công ty. Tuy nhiên, hạn mức chi từng lần tối đa không quá 500 triệu đồng đối với các chi phí liên quan.

Theo SBS, trong năm 2013, tổng số các khoản phải thu, danh mục đầu tư đã xử lý đạt được 555 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận 10-20 tỷ đồng, chưa chia cổ tức trong năm 2014

SBS đặt mục tiêu kinh doanh 2014 là lấy thu bù chi.

Cụ thể, doanh thu thuần dự kiến đạt 50-60 tỷ đồng, chi phí khoảng 30-40 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh từ 10-20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, SBS cho biết lợi nhuận này có thể thay đổi, thùy thuộc khoản doanh thu khác hay hoàn nhập dự phòng từ hoạt động xử lý nợ.

Riêng cổ tức 2014, HĐQT cho biết vẫn chưa thể thực hiện được.

Chi tiết hơn, SBS cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động môi giới để nâng thị phần từ 1.5% lên 3%. Đối với mảng tài chính, SBS sẽ tập trung vào mảng tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước.

SBS còn xây dựng mới hoạt động môi giới và kinh doanh trái phiếu. Hoạt động này sẽ được phát triển dựa trên thế mạnh ban đầu là sự kết hợp với hoạt động kinh doanh của Sacombank (STB), bao gồm hàng chục nghìn tỷ trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, SBS cho biết sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông trong việc chuyển nhượng cp đang sở hữu.

Bất ngờ với lãi ròng hơn 442 tỷ đồng trong năm 2013

Năm 2013, SBS gây nhiều bất ngờ khi công bố doanh thu ở mức 113.88 tỷ đồng, giảm 50% so năm 2012, nhưng lãi ròng đạt 442.9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 135 tỷ đồng. EPS tương ứng 3,499 đồng.

Năm qua, chi phí hoạt động kinh doanh của SBS chỉ chiếm gần 52 tỷ đồng, giảm tới 83% so mức 319 tỷ của năm 2012. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng chỉ 8.8 tỷ, trong khi cùng kỳ tới 317 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2013, tổng tài sản của SBS ở mức 771 tỷ đồng, giảm 527 tỷ đồng so với hồi đầu năm; vay nợ dài hạn giảm từ 801 tỷ đồng xuống còn 61 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu dương 191 tỷ đồng, trong khi con số này ở đầu năm là âm 251 tỷ đồng. Lỗ lũy kế cũng giảm từ 1,767 tỷ đồng xuống còn 1,324 tỷ đồng tại ngày 30/12/2013.

Sanh Tín

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tường thuật ĐHĐCĐ SBS: Có sáp nhập với CTCK Phương Nam?