Như vậy là sau những đồn thổi, ồn ào trong dư luận, sự thật về vụ đánh bạc qua mạng quy mô ngàn tỷ liên quan đến cán bộ cao cấp trong lực lượng Công an dần được hé lộ.
Như đã thông tin, ngày 11/3, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) để điều tra về hành vi Tổ chức đánh bạc.
Thông tin này không bất ngờ với nhiều người, bởi lẽ cách đây không lâu, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm ngày 29/1, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã cho biết, Công an Phú Thọ đã phá được vụ án đánh bạc có tổ chức, xuyên quốc gia; thu được trên 1.000 tỉ đồng. Số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD.
Đặc biệt vụ án có liên quan đến một số cán bộ, nguyên là lãnh đạo trong ngành Công an.
Trước đó nữa, mạng xã hội tràn ngập thông tin bàn tán về một nguyên lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Cục C50 có vai trò "bảo kê" cho đường dây đánh bạc này.
Việc cơ quan Công an bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa để điều tra là thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư yêu cầu Đảng ủy Công an trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, khách quan, chính xác, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
Đến thời điểm này, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố gần 80 bị can, bắt giữ 38 đối tượng về các hành vi: tổ chức đánh bạc; đánh bạc; rửa tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xin không nói thêm về vụ án này vì phải chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra. Nhưng ngay sau khi nguyên Cục trưởng Cục C50 bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận đã đặt ra câu hỏi: "Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lại sử dụng công nghệ cao để phạm tội thì dân đặt niềm tin vào đâu?"
Thực trạng cán bộ bao che, tiếp tay cho tội phạm không phải sau vụ việc này mới được đề cập đến.
Tại cuộc họp tổng kết của 2 Ban chỉ đạo 138 và 389, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu “phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm”.
Một ví dụ đơn giản, rừng đã đóng cửa nhưng máu rừng vẫn tiếp tục chảy. Thậm chí những vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, hàng ngàn hécta rừng bị chặt phá mà cơ quan chức năng không biết không hay. Không có sự bảo kê, tiếp tay thì sao có thể xảy ra tình trạng đó?
Người được giao nhiệm vụ chống tiêu cực lại tiếp tay cho tiêu cực, chống tội phạm lại phạm tội cho thấy cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả. Nhiều năm qua, chúng ta hay nhắc đến cụm từ "xây dựng thiết chế giám sát" hay "khống chế quyền lực" để không xảy ra tình trạng sử dụng quyền lực phi pháp, tha hóa quyền lực. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Phải nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp".
Cơ chế giám sát quyền lực là một trong bốn giải pháp quan trọng của trung ương để quản lý cán bộ. Thế nhưng giữa các giải pháp và việc thực hiện là một quá trình dài với nhiều khó khăn, bất cập.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải công khai, minh bạch tất cả các vấn đề liên quan đến những người nắm quyền lực trong tay và phải tạo ra cơ chế để quần chúng nhân dân tham gia giám sát quyền lực. Có như thế mới xây dựng được "cái lồng" để nhốt quyền lực và hạn chế việc những ông tướng chuyên bắt bạc lại tổ chức đánh bạc.