Đời sống

Từ vụ cháy nhà trọ khiến 14 người chết, chuyên gia chỉ ra "bí kíp sinh tồn"

Tuấn Dũng + Đức Sơn 24/05/2024 - 17:46

Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC) đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho người dân để thoát nạn khi gặp phải các sự cố cháy nổ tại các tòa nhà, căn hộ hiện nay.

Trao đổi về tình trạng xảy ra hỏa hoạn gần đây xảy ra tại các chung cư mini, nhà trọ trong ngõ sâu, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC) đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho người dân.

img_8767(2).jpg
Hướng vào hiện trường vụ cháy tại Trung Kính từ ngõ 119 Trung Kính.

Bàn về các yếu tố tác động đến người bị nạn khi hỏa hoạn xảy ra, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm cho biết, vấn đề tác động đầu tiên khi một vụ cháy xảy ra là vấn đề thoát nạn an toàn. Yếu tố nguy hiểm đầu tiên là khói độc, khí độc. Khi con người hít phải khí độc, khói độc sẽ nhanh chóng làm mất cảm giác và sẽ khó tìm được phương hướng để thoát nạn. Tác động của khí độc, khói độc là rất ghê gớm.

Tiếp đến tác động thứ hai đó là nhiệt độ. Khi người ta ở trong môi trường nhiệt độ cao rất hoảng sợ. Và vấn đề tác động thứ ba là tác động của ngoại cảnh, với những tiếng kêu cứu, tiếng la hét, hoảng loạn. Khi con người ta rơi vào trạng thái hoảng loạn thì rất khó để ứng xử trước các tình huống tác động. Dẫn đến rất khó nghĩ cách chủ động để thoát ra ngoài được.

qutwtqtt(1).jpg
Người dân tham gia chữa cháy cùng lực lượng chức năng.

Theo ông Xiêm, đối với trường hợp đám cháy mới xảy ra tại ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng như các trường hợp đám cháy khác thì hiện nay một nhược điểm lớn nhất là lối và đường thoát nạn an toàn còn rất là hạn chế.

khu-vuc-dau.jpg
Hướng vào hiện trường vụ hỏa hoạn từ phía ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính.

Ông Xiêm cho biết, Luật Phòng cháy chữa cháy quy định rất rõ các nhà ở phải có 2 lối thoát hiểm. Cụ thể, lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ 2 ở vị trí nào và cấu trúc ra sao thì phụ thuộc vào kết cấu của toà nhà.

Có những nơi không đủ lối thoát nạn theo quy định, trong khi yêu cầu bắt buộc là phải có hai lối đường thoát nạn trong ngôi nhà, nhưng do chủ nhà tận dụng tối đa diện tích, dẫn tới việc không đủ để xây lối thoát hiểm thứ 2.

"Mặc dù đã có sự nhắc nhở, khuyến cáo của lực lượng chức năng nhưng người ta không làm. Việc không làm có lí do nữa là những cái nơi người ta làm nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ như trường hợp tại vụ cháy tại ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội là họ tận dụng tối đa diện tích chỗ ở để làm chỗ kinh doanh", ông Xiêm nhận định.

z5470309613914_0c0a7260afce25546eab9aadf0c9a72f.jpg

Theo PGS.TS Ngô Văn Xiêm, tâm lý của chủ hộ kinh doanh là lợi nhuận, là "bớt được cái gì hay cái đó". Với tư tưởng chủ quan, họ có thể nghĩ "mấy khi có thể xảy ra cháy", dẫn tới việc ngại đầu tư xây dựng đúng quy chuẩn. Từ tâm lý chủ quan không chuẩn bị, dẫn đến không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình mình, cơ sở kinh doanh của mình.

"Cái thứ hai nữa là khi lực lượng chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền hướng dẫn về PCCC cho người dân về cách phòng ngừa để không xảy ra sự cố cháy, nổ, hướng dẫn kĩ năng thoát nạn an toàn trong các điều kiện khác nhau, cùng với việc hướng dẫn các hộ gia đình cạnh nhau mở các lối liên thông với nhau, mô hình tổ liên gia PCCC,… thì đáng tiếc là người dân cũng thờ ơ. Vì chủ quan và thờ ơ dẫn đến khi xảy ra có thể sẽ khó thoát nạn", ông Xiêm chia sẻ.

Chỉ ra những "bí kíp sinh tồn" về việc thoát nạn an toàn khi xảy ra hỏa hoạn, ông Xiêm cho hay người dân phải chú ý những điều sau:

Thứ nhất, gia chủ phải thật bình tĩnh, đồng thời thông báo cho những người sinh sống tại nơi ở và xung quanh biết được đã có cháy xảy ra. Thông tin phải càng sớm càng tốt, trước hết là những người ở nơi xảy cháy biết và thông báo cho lực lượng cảnh sát PCCC.

Thứ hai, phải nhanh chóng thoát ra theo những phương án đã được tập luyện nếu có. Hướng chạy thế nào, cửa ra ở đâu, chìa khóa ở đâu,… cần bình tĩnh để tìm lối đi đúng. Cần lắng nghe các kĩ năng được lực lượng PCCC đã hướng dẫn, việc này cũng tùy theo tình huống cụ thể.

Thứ ba, nếu trường hợp xác định không thể thoát ra, người gặp nạn có thể quay về trong phòng, nơi mình ở, dùng các biện pháp bịt kín các khe hở của cửa như dùng khăn ướt, chăn ướt, băng dính... bịt kín các khe cửa không cho khói độc lọt vào. Các kĩ năng thoát nạn khác, người dân đều có thể được học trong các buổi tuyên truyền về kĩ năng thoát nạn khi xảy ra sự số, hỏa hoạn. Khi nhận biết lực lượng chức năng chữa cháy đã ở gần, người gặp nạn có thể dùng các vật tác động để thông báo cho lực lượng cứu hộ biết vị trí.

z5470309658778_47a08c9f5fd8051f6e8af58ea2eacb45(1).jpg
Vụ cháy xảy ra trong ngõ nhỏ khiến lực lượng chức năng khó khăn trong chữa cháy.
uefwegg.jpg
Từ sự việc đáng tiếc xảy ra tại các vụ cháy gần đây, người dân cần chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về an toàn PCCC và nâng cao nhận thức về phòng chống cháy nổ do điện (như tham gia các buổi đào tạo, hướng dẫn về PCCC) để có kiến thức, biết cách ứng phó khi xảy ra các sự cố chập, cháy bất ngờ.

Cần trang bị và học cách sử dụng các dụng cụ chữa cháy cơ bản. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Tuyệt đối không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ cháy nhà trọ khiến 14 người chết, chuyên gia chỉ ra "bí kíp sinh tồn"