Tư vấn phát triển đối tượng BHXH tự nguyện: “Cần coi người dân như người nhà”

Lan Trần| 16/08/2019 14:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyên viên tư vấn BHXH luôn là những người “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về chính sách ưu việt của BHXH, BHYT nhằm thu hút người dân tham gia.

Những đôi chân không mỏi

Đã có một thời người ta nói với nhau phải vào “nhà nước” để có chế độ. Chế độ ở đây chính là BHXH, BHYT, là có lương hưu khi về già. Cũng chính bởi quan niệm này ăn sâu vào nếp nghĩ mà nhiều người không dám hay không tin rằng lao động tự do cũng có thể tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu.

Tư vấn phát triển đối tượng BHXH tự nguyện: “Cần coi người dân như người nhà”

Anh Nguyễn Huy Hoàng (trái), cán bộ BHXH huyện Gia Bình đang trao đổi với người dân về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh: Lan Trần

Là một người lao động tự do, anh Bùi Thế Đạt, 44 tuổi ở xã Nhân Thắng, Gia Bình (Bắc Ninh) chia sẻ: “Tôi là lao động tự do nên chẳng biết gì về bảo hiểm. Sau đó, nhờ có cán bộ BHXH huyện Gia Bình tư vấn trực tiếp, tôi mới biết và tham gia BHXH tự nguyện. Tôi được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng linh hoạt. Tham gia BHXH tự nguyện sau này tôi sẽ có lương hưu như người tham gia BHXH bắt buộc”,  anh Đạt chia sẻ. 

Tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2014 với mức đóng 550.000 đồng/tháng, anh Đạt lựa chọn hình thức đóng 6 tháng/lần. Theo anh Đạt, đây là mức phù hơp với thu nhập hiện tại của anh và với anh, khoảng đóng đó chính là sự đảm bảo cho việc không phải trông mong vào con cái khi về già.

Người đã thuyết phục được anh Đạt tham gia BHXH tự nguyện là anh Nguyễn Huy Hoàng, cán bộ BHXH huyện Gia Bình. Bằng kinh nghiệm thực tế khi đi tư vấn cho người dân, anh Hoàng cho biết, từ những nỗi lo lắng hiện hữu của người dân về việc không có thu nhập khi về già; không có gì đảm bảo khi bị ốm đau; trở thành gánh nặng cho con…anh đã tuyên truyền để người dân hiểu, giải pháp để giải tỏa nỗ lo chính là tham gia BHXH tự nguyện.

Một thông tin được anh Hoàng chia sẻ là trong quá trình đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, những người trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện thường là lao đông chính trong nhà, rất khó gặp trong giờ hành chính. Do vậy, anh cũng như các chuyên viên tư vấn thường phải hẹn vài lần hoặc gặp ngoài giờ để tư vấn. Thậm chí cả ngày nghỉ, họ cũng sẵn sàng đi tuyên truyền để người dân hiểu rõ về BHXH, BHYT.

Từ sự miệt mài của các chuyên viên tư vấn BHXH, chỉ trong tháng 6/2019 trên địa bàn huyện Gia Bình đã phát triển được 589 người tham gia BHXH tự nguyện,  tăng 107 người  so với tháng trước, tăng 274 người so với cùng kỳ năm trước.

Coi đối tượng phát triển BHXH như người nhà

Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Sau 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá.

Thực tế ghi nhận tại Bắc Ninh cho thấy người dân đã hiểu hơn về BHXH tự nguyện.  Không chỉ có những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, sau nghỉ việc vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, mà nhiều người lao động tự do đã biết đến loại hình bảo hiểm ưu việt này và sẵn sàng tham gia. Thậm chí có những bậc cha mẹ đã chủ động tham dự những Hội nghị tuyên tuyền do cơ quan BHXH và Bưu điện Việt Nam tổ chức để tiếp nhận thông tin nhằm phổ biến lại cho người thân trong gia đình.

Tư vấn phát triển đối tượng BHXH tự nguyện: “Cần coi người dân như người nhà”

PGĐ BHXH thành phố Bắc Ninh Hoàng Văn Hiển đang trao đổi, giải đáp thắc mắc của người dân. Ảnh: Lan Trần

Có mặt Hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện được tổ chức sáng 9/8 tại Nhà văn hóa phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, ông Lê Minh Thành 55 tuổi đường Hoành Sơn, phường Đáp Cầu cho biết sau khi được cán bộ các cấp tuyên truyền về chương trình tham gia BHXH tự nguyện, ông nhận thấy có nhiều đổi mới trong chế độ chính sách của Đảng. Do đó, ông tham dự hội nghị này để nắm bắt thêm nội dung về BHXH tự nguyện với các đối tượng lao động tự do. Sau khi được nghe giới thiệu về BHXH tự nguyện, ôngThành cho biết sẽ thống nhất trong gia đình để có nguồn tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng tham dự Hội nghị,  ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Đáp Cầu đánh giá việc truyền thông trong hội nghị có ý nghĩa lớn đối với người dân của phường Đáp Cầu. Thông qua thông tin được chia sẻ, người dân được nghe chi tiết hơn, cụ thể hơn để thấy tác dụng lớn khi tham gia BHXH tự nguyện. Những thông tin hữu ích sẽ được những người như ông Đức, ông Thành về chia sẻ cùng người thân bạn bè nhằm lan tỏa những lợi ích thiết thực của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ về việc tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, PGĐ BHXH thành phố Bắc Ninh Hoàng Văn Hiển cho biết : “Mình phải coi người dân như người nhà của mình. Mình phải tư vấn thật chính xác và chọn ngôn ngữ sao cho dễ hiểu với người dân chứ không phải là đọc nghị quyết,. Ngôn ngữ cần gần gũi, dân dã để người dân dễ hiểu. Đối với lao động tự do cần nắm bắt xem đối tượng mong muốn gì để tư vấn”.

Mặc dù phát triển đối tượng BHXH tự nguyện vẫn còn có những khó khăn nhất định … nhưng bằng việc đi sâu vào đời sống của người dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn, hội …việc phát triển BHXH tự nguyện đã và đang đạt được những kết quả tích cực trên miền quê quan họ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư vấn phát triển đối tượng BHXH tự nguyện: “Cần coi người dân như người nhà”