Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

Phương Nam| 28/04/2020 09:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc là độc lập, tự do, là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, dẫn dắt Ðảng và nhân dân ta giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

 Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không có gì quý hơn độc lập, tự do

Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang theo hành trang truyền thống, bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc. Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm hiểu thêm tư tưởng của một số nhà yêu nước lỗi lạc trên thế giới, nâng lên tầm cao mới của thời đại, gắn quyện thành tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc là độc lập, tự do, là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc.

Thấm đượm tinh thần yêu nước truyền thống Việt Nam, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cái quý nhất trên đời là độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân. Hồ Chí Minh nói: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập...”. Trên đường tiếp cận chân lý cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791 của cách mạng Pháp, Người hiểu rõ chân lý bất di bất dịch về quyền cơ bản của các dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống quyền sung sướng và quyền tự do.

Năm 1919, vận dụng nguyên tắc dân tộc tự quyết thiêng liêng đã được các đồng minh thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất thừa nhận, thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước, Người gửi đến Hội nghị hòa bình Vécxây một bản yêu sách 8 điểm đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách đã không được dư luận chú ý đến. Người rút ra bài học: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Hồ Chí Minh đã đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân ta trong một câu nói bất hủ: “Dù có phải đối cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập!”....

Cách mạng Tháng Tám thành công, người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng khẳng định trước quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc, Người ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Khi đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, mở rộng chiến tranh miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý bất hủ, có giá trị cho mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Vì thế, Người không chỉ được tôn vinh là “anh hùng giải phóng dân tộc” của Việt Nam mà còn được thừa nhận là “Người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

Dinh Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh

Giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc cần được tiến hành dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, giành độc lập dân tộc để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là một vấn đề lý luận quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong thời đại cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo Người, chỉ đứng trên lập trường của giai cấp vô sản và cách mạng vô sản mới giải quyết được đúng đắn vấn đề dân tộc.

Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, từ thương nước, thương nòi, Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền mục tiêu giải phóng dân tộc với việc mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Người lựa chọn con đường giải phóng dân tộc trên lập trường vô sản chính vì cách mạng vô sản không chỉ giải phóng giai cấp công nhân mà còn giải phóng mọi giai cấp và tầng lớp khác thoát khỏi sự áp bức, bóc lột giai cấp. Người nói:  Giành độc lập rồi phải xây dựng chủ nghĩa xã hội vì chủ nghĩa xã hội “làm cho dân giàu, nước mạnh”,... “làm cho mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”.

Quan điểm giải phóng con người của Hồ Chí Minh được nâng lên, trở thành tâm điểm của hoạt động cách mạng của Người. Khi chưa giành được độc lập, Người thể hiện ý chí độc lập bằng câu nói “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được tự do, độc lập”. Nhưng sau đó Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Do đó, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc,... đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người luôn luôn gắn chặt, hòa quyện với nhau trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có thể nói, mục đích cao nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người theo lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.

Trong tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của Bác bao trùm lên tất cả là chủ nghĩa nhân văn cao cả, thấm đậm tình thương yêu đồng bào, đồng chí và nhân loại bị áp bức, bóc lột. Cuộc đời của Bác là tấm gương tiêu biểu về lòng thương yêu nhân dân, thương yêu con người, nhất là với những người nghèo khổ, bị áp bức, bất công. Nhớ lại, ngay sau ngày Tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáu vấn đề cấp bách mà tất cả đều vì con người, cho con người: Ðó là cứu đói, bảo đảm quyền được ăn để sống cho dân; chống nạn mù chữ; xây dựng Hiến pháp, thực hiện quyền tự do dân chủ; giáo dục  tinh thần cần, kiệm, liêm, chính; chống lối bóc lột vô nhân đạo, cấm hút thuốc phiện; tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.

Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và nói riêng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, dẫn dắt Ðảng và nhân dân ta tiến hành tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành độc lập dân tộc; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi, thu non sông về một mối, Tổ quốc thống nhất, cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người