Từ một kẻ đào tẩu trở thành người hùng của nước Pháp – Kỳ cuối: Những năm tháng cuối đời

Hoàng Hà| 10/06/2015 09:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

20 năm cuối đời Eugene Vidocq vẫn bận rộn như những năm trước đó, ông chưa bao giờ từ bỏ nguyên tắc của mình, luôn sống tích cực và Vidocq đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhà văn.

Lúc bị bắt, Vidocq đã 67 tuổi. Ông nằm co quắp trong nhà tù ẩm ướt đầy chuột bọ, không hay biết tin tức gì về các cáo buộc giáng vào mình. Ông bị đối xử không khác gì một tên tội phạm khét tiếng nhất. Ông lo sẽ bị giết vì phải ở chung với nhiều tên tội phạm từng bị ông đưa vào tù.

Ông viết thư kể với vợ là ông sợ khi mỗi lần phải vào nhà vệ sinh vì rất có thể sẽ bị kẻ nào đó cắt họng. Hơn nữa, căn bệnh thấp khớp hành hạ khiến sức khỏe của ông xuống dốc nhanh chóng.

Mùa xuân đến, phiên tòa xử Vidocq bắt đầu ngày 3/5/1843. Ông đã thuê cho mình luật sư giỏi nhất. Trong phiên tòa, Champaix lật mặt với người đã đối xử tử tế với mình. Hắn khai rằng, Vidocq nhân danh cảnh sát của nhà vua bắt hắn, hắn bị người của Vidocq dọa nạt đến mức phải nộp 2.200 francs để bảo toàn tính mạng.

Luật sư đã mang tới tòa hàng chục người làm chứng chống lại lời khai gian trá của Champaix và chứng minh đạo đức tuyệt vời của Vidocq. Đám đông vỗ tay trước những lời biện hộ của luật sư. Nhưng bồi thẩm đoàn vẫn kết án Vidocq 5 năm tù giam và khoản phạt 3.000 francs. Cả thành Paris choáng váng.

Nhưng ngay sau khi tiếng búa kết án của quan tòa vang lên không lâu, tòa phúc thẩm đã bác bỏ bản án. Sau khi xem xét lại vụ án, tòa tuyên bố rằng Vidocq hành sự hoàn toàn chuyên nghiệp từ đầu đến cuối và không phạm tội lừa gạt.

Ngay ngày hôm sau, công ty thám tử của Vidocq đã mở cửa trở lại. Người đi đường lại mỉm cười mỗi khi đi ngang qua và ngước nhìn lên tấm biển lớn đặt trước cửa văn phòng của Vidocq. Tấm biển viết: Khôi phục!

Từ một kẻ đào tẩu trở thành người hùng của nước Pháp – Kỳ cuối: Những năm tháng cuối đời

Vidocq trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà văn.

Sau khi ra tù, ông viết một loạt tiểu thuyết dựa trên những kinh nghiệm làm thám tử của mình. Một trong những cuốn đáng nhớ nhất là Les Voleurs (Kẻ trộm) - một cái nhìn cận cảnh về thế giới ngầm ở Paris qua con mắt của một thám tử.

Những tác phẩm khác mà ông sáng tác có hàng loạt nhân vật tiểu thuyết mang những nét tính cách và trải nghiệm sống của chính tác giả, như cuốn “Les Vrais Mysteres de Paris” (Bí ẩn thực sự của Paris) và “Les Chauffeurs de Nord” (Người lái xe miền bắc).

Đồng thời, Vidocq cũng trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn Edgar Allen Poe xây dựng nhân vật thám tử Daupin và đại văn hào Honore de Balzac xây dựng nhân vật Vautrin. Vidocq cũng được nhà văn Victor Hugo tái hiện qua hai nhân vật nổi tiếng Jean Valjean và Javert trong tác phẩm “Những người khốn khổ”.

Mặc dù các tác phẩm của Vidocq được hoan nghênh ở Pháp, nhưng chính nước Anh mới có công lớn trong việc tôn vinh những tác phẩm đó. Các hiệu sách và báo chí ở Anh đã biến Vidocq thành người hùng khi ông thăm Anh trong một chuyến đi quảng bá sách năm 1845. Các nhà hát ở Anh cũng nhấn mạnh tên tuổi Vidocq khi trình chiếu một số vở kịch dựa trên cuốn hồi ký của ông.

Không chỉ thế, trung tâm triển lãm Cosmorama ở Anh còn mở một cuộc triển lãm nhân chuyến thăm Anh của Vidocq, trong đó trưng bày những tác phẩm nghệ thuật liên quan đến Vidocq và một bộ sưu tập cá nhân của Vidocq gắn liền với thế giới tội phạm, như những đồ cải trang ông mặc khi còn ở Sở cảnh sát Paris cùng với những vũ khí, trang phục, vật dụng mà Vidocq thu được của những tên tội phạm khét tiếng.

Khác với Pháp, lực lượng cảnh sát được tôn trọng ở Anh. Những điều tra viên mặc thường phục luôn được trọng vọng vì tài năng và lòng trung thành dành cho Nữ hoàng Victoria. Do đó, Vidocq được Sở cảnh sát Luân Đôn rất tôn sùng.

Từ một kẻ đào tẩu trở thành người hùng của nước Pháp – Kỳ cuối: Những năm tháng cuối đời

Ngày ông mất, người dân tưởng nhớ ông, nước Pháp tưởng nhớ ông. Thậm chí, cả một số tên tội phạm chưa bị ông bắt cũng nhỏ lệ tiếc thương!

Khi trở về Paris, Vidocq quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn nhận giải quyết các vụ mà một ông già 70 tuổi có thể xử lý. Ông thậm chí còn nhận điều tra cho tầng lớp thượng lưu ngoài nước Pháp. Nhưng khi vợ ông qua đời tháng 9/1847, ông cảm thấy mình không còn đủ nhiệt huyết nữa. Ông đã đóng cửa công ty thám tử trên phố Galerie Vivienne, bán ngôi nhà ở quê và chuyển đến một ngôi nhà bé hơn ở quận Marais thuộc Paris.

Cuối tháng 4/1857, Vidocq bị đột quỵ và bị liệt. Bác sĩ Dornier, một người bạn và hàng xóm của Vidocq cùng với linh mục Pere Orssant đã đêm hôm chăm sóc ông trong quãng thời gian đó. Ngày 11/5, Vidocq xưng tội với linh mục rằng ông đã không đi nhà thờ khi còn bé. Vị linh mục trấn an ông rằng Chúa sẽ tha thứ cho ông.

Thế rồi, người đàn ông hấp hối chạm vào tay của bác sĩ Dornier và thì thầm những lời cuối cùng “Ông...ông... bác sĩ duy nhất của tôi”.

Đám tang Vidocq được tổ chức ngày hôm sau tại nhà thờ Basilica de Sainte-Denys. Phần lớn bạn bè ông đã về với Chúa trước ông nên chỉ còn một số ít tham dự tang lễ Vidocq.

Ngày hôm đó, người dân tưởng nhớ ông, nước Pháp tưởng nhớ ông. Nước mắt đã rơi trên gò má nhiều người. Thậm chí cả một số tên tội phạm chưa bị ông bắt cũng nhỏ lệ tiếc thương!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ một kẻ đào tẩu trở thành người hùng của nước Pháp – Kỳ cuối: Những năm tháng cuối đời