Hiện khâu chuẩn bị đã hoàn tất và việc điều chỉnh giá viện phí sẽ được thực hiện đồng loạt tại các bệnh viện trên cả nước.
Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính nêu rõ, từ ngày 1-3-2016, mức giá của các dịch vụ y tế này sẽ gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Theo đó, so với mức giá hiện hành, giá các dịch vụ y tế sẽ tăng bình quân 30%, riêng tại 9 bệnh viện tuyến Trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Phụ sản Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương... viện phí sẽ tăng tối thiểu 50%.
Từ hôm nay (1/3) các bệnh việt đồng loạt tăng viện phí (ảnh minh hoạ)
Cụ thể, viện phí cho các ca phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng thêm so với hiện hành từ 300 nghìn - 1,5 triệu đồng/ca. Tiền khám thông thường sẽ tăng 3 - 4 lần; tiền ngày giường sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với hiện hành. Tiếp đến, từ ngày 1-7-2016, sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế vào kết cấu giá viện phí.
Được biết, các mức tăng nói trên sẽ áp dụng với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), còn nhóm đối tượng chi trả viện phí trực tiếp sẽ được xem xét và quyết định sau. Như vậy, việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 37 chưa ảnh hưởng đối với người không có thẻ BHYT.
Mức đóng BHYT cao nhất hiện nay là 621.000 đồng mỗi người một năm trong khi nhiều chi phí phẫu thuật, thủ thuật 6-7 triệu đồng. Nếu bị bệnh nặng, hiểm nghèo, phải phẫu thuật, điều trị dài ngày thì chi phí chữa bệnh lên đến hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng. Người tham gia BHYT được quỹ thanh toán 80%, tham gia bảo hiểm từ 5 năm liên tục trở lên chỉ phải đồng chi trả tối đa 6 tháng lương tối thiểu, còn lại BHYT thanh toán.