Từ hiện tượng “Cuties”, ngẫm chuyện buồn thị trường phim Việt

Minh An| 05/10/2020 07:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luồng gió văn hóa ngoại lai tràn vào Việt Nam trong thời gian qua có thể nói là đang khá thoải mái, tự do, thiếu chọn lọc và thiếu định hướng.

Từ những lùm xùm rất thời sự liên quan tới việc trình chiếu bộ phim Cuties, với tựa tiếng Việt là “Vũ công nhí đáng yêu”, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, đưa ra những suy ngẫm về cách tiếp nhận văn hóa ngoại trong một bộ phận thanh, thiếu niên Việt Nam. Ở đây có nhiều vấn đề liên quan tới bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, quản lý việc truyền phát những sản phẩm liên quan tới văn hóa như phim ảnh…

Tiếp nhận văn hóa ngoại lai ở phần… đáy tháp

PVĐã xuất hiện nhiều âu lo về sự xâm thực của văn hóa ngoại lai với giới trẻ nói riêng và con người Việt Nam nói chung. Theo đó, sự thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, trang phục, khiến những người xung quanh phải đỏ mặt vì ngượng ngùng… hay cách hành xử lấy đồng tiền làm tiêu chuẩn… là những biểu hiện rõ ràng của sự xâm thực ấy. Đây là một vấn đề rất quan trọng và rất rộng, ông có chia sẻ với những trăn trở nói trên không? Và chắc hẳn ông đã có những quan sát và chiêm nghiệm của riêng mình.

Ông Lê Hồng Sơn: Rất lâu rồi, cách nay ngót nửa thế kỷ, trong một số năm, xã hội ta đã chứng kiến hiện tượng một bộ phận thanh, thiếu niên học đòi kiểu ăn mặc, sinh hoạt theo phong cách Hippie. Sau đó một thời gian, khi đất nước mở cửa, tiếp cận với một số nền văn hóa mới, lại xuất hiện phong trào tóc nâu, môi trầm, mặc áo ngắn và bó sát… học đòi theo kiểu Hàn Quốc, tiếp thu một cách thiếu chọn lọc văn hóa Hàn Quốc. Đấy là một thực tế khi mà một bộ phận thanh thiếu niên luôn có xu hướng tiếp cận những thông tin và những biểu hiện văn hóa mà họ cho là mới, lạ, kể cả những biểu hiện đó khá xa lạ với văn hóa truyền thống Việt Nam.

Đã có những có phản ứng xã hội ở các mức độ khác nhau, thậm chí có thời gian người ta mang kéo, mang dao đi rọc quần loe và những cách ăn mặc phản cảm của một số cá biệt thanh thiếu niên học đòi. Đối với phong trào tóc nâu, môi trầm gần đây, họ cũng phải nhận những ánh mắt e dè, có phần ác cảm của một bộ phận người dân trong xã hội. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, dù ghi nhận đấy là những hiện tượng xa lạ nhưng niềm vui và sở thích của cá nhân trong xã hội không thể bị can thiệp theo kiểu dùng áp lực hay những hành vi ngăn cấm thô bạo.

Từ hiện tượng “Cuties”, ngẫm chuyện buồn thị trường phim Việt

Ông Lê Hồng Sơn

Tuy nhiên, trong đó vẫn tồn tại một số thanh thiếu niên, dù là cá biệt, vẫn có những biểu hiện về nhận thức và hành vi mang tính cực đoan, kể cả trong ăn mặc, trang điểm và hành xử, cá biệt như những trường hợp giang hồ mạng Khá bảnh, Huấn hoa hồng, Phúc XO… Hoặc trong giới người mẫu, diễn viên, có một số cố tình gây dựng sự nổi tiếng bằng lối ăn mặc hở hang, phản cảm và những phát ngôn gây sốc…Gần đây, cả hai phía, phía học đòi và phía nhận thức chung của xã hội đều đã có sự điều chỉnh nhất định. Phía học đòi trong thanh thiếu niên đã có những phân nhóm, phân loại, trong đó một bộ phận không nhỏ có sự căn chỉnh hài hòa, làm cho xã hội dễ chấp nhận, dễ thông cảm hơn.

Thêm nữa, sự bùng nổ của mạng internet đã làm cho thế giới trở nên phẳng, mở ra một không gian văn hóa phi biên giới, tác động trực tiếp, khá mạnh mẽ tới giới trẻ Việt Nam. Các tiện ích thời đại công nghệ như các website giải trí, mạng xã hội… đang hàng ngày đập vào mắt những người sử dụng mạng, đặc biệt là tác động rất mạnh đến nhận thức của giới trẻ. Làn sóng này càng đẩy nhanh nhu cầu ‘bắt chước’ phong cách văn hóa phương Tây. Ở đây, nói không quá, đối với một bộ phận thanh thiếu niên, trình độ nhận thức văn hóa của họ đang bị hòa tan, thậm chí hòa tan theo hướng tiêu cực, bất lợi.

Điều quan trọng hơn, dù đã có một số hàng rào về pháp chế và kỹ thuật nhằm ngăn chặn và hạn chế, nhưng luồng gió văn hóa ngoại lai tràn vào Việt Nam trong thời gian qua có thể nói là đang khá thoải mái, tự do, thiếu chọn lọc và thiếu định hướng.

Hậu quả là, một bộ phận của giới trẻ có cơ hội để tiếp nhận phần đáy, mang tính tiêu cực luồng gió văn hóa ngoại lai đó. Đã phát sinh khá nhiều trường hợp rơi vào tình trạng trầm cảm do đắm chìm trong thế giới ảo, nghiện game, sử dụng ma túy, các chất kích thích bị cấm, lối sống ích kỷ, thiếu tự lập và cá biệt đã xuất hiện nạn tự tử, những vấn đề đang gây đau đầu cho chính các xã hội phương Tây.

PVThưa ông, trong bối cảnh như vậy, mối quan tâm, sự nhận thức và điều chỉnh của các nhà văn hóa, các nhà quản lý văn hóa tại Việt Nam đang như thế nào? Những phản ứng của họ đã đủ mạnh mẽ, quyết liệt?

Ông Lê Hồng Sơn: Xin thêm một ví dụ: bộ phim “Vũ công nhí đáng yêu” đang là một sản phẩm văn hóa ngoại lai, phim Pháp, đang được chiếu trên nền tảng ứng dụng Netflix, Mỹ. Một bộ phận công chúng, trong đó có thanh, thiếu niên Việt Nam đã trực tiếp tiếp cận toàn bộ nội dung của bộ phim. Đáng chú ý, mặt tiêu cực, phản cảm của bộ phim này đang gây ra một luồng dư luận phản ứng khá mạnh trên thế giới.

Tính tới thời điểm này, theo số liệu tổng hợp bước đầu, đã có trên sáu trăm ngàn chữ ký yêu cầu hệ thống phát hành trực tuyến Netflix rút bộ phim này khỏi danh sách chiếu tại các quốc gia. Những quan điểm phản đối cho rằng, bộ phim đã lạm dụng hình ảnh các bé gái 11 tuổi, có yếu tố khiêu dâm trẻ em.

Ở trong nước, có thể nói, bộ phim này đã và đang gây nên một nỗi đau không hề nhỏ, bởi nội dung của bộ phim đang kích động tình trạng lạm dụng trẻ em gái. Tình trạng lạm dụng này đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, đang đặt ra những thể chế, những biện pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa. Tôi được biết, vừa rồi, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự quan tâm đặc biệt, thậm chí đã có một chuyên đề giám sát về vấn đề này.

Từ hiện tượng “Cuties”, ngẫm chuyện buồn thị trường phim Việt

Làn sóng phản đối Cuties khiến nhiều bang của Mỹ cân nhắc yêu cầu Netflix rút bộ phim này khỏi danh sách chiếu.

Dư luận và phản ứng của thế giới thì như vậy nhưng trong hệ thống các cơ quan và người có thẩm quyền quản lý văn hóa, bảo vệ quyền trẻ em từ cấp Bộ xuống tới các địa phương, cũng như các nhà văn hóa ở Việt Nam, chưa có những phản ứng kịp thời và đúng mức đối với bộ phim này. Hiện nay, công luận mới chỉ được tiếp cận các phân tích, đánh giá của các bài báo dịch lại từ phương Tây, của những thông tin nước ngoài nêu lên những phản ứng của họ đối với bộ phim này.

Có thể nói, đây là một sự chậm trễ, vô cảm, khó chấp nhận ở Việt Nam đối với những hiện tượng văn hóa tiêu cực, ngoại lai xâm nhập. Đây là một lỗ hổng về quản lý văn hóa khá lớn, khá nghiêm trọng. Chẳng lẽ, chờ “mất bò mới lo làm chuồng”, chờ xảy ra đám cháy mới phòng hỏa. Có thể ví bộ phim này xâm nhập vào Việt Nam đang là một hiện tượng cực kỳ nóng, hậu quả không hề nhỏ đối với một bộ phận công chúng xã hội, một bộ phận thanh thiếu niên.

Sự chậm trễ, vô cảm trong nhận thức, quản lý một hiện tượng, sự kiện văn hóa đặc biệt như bộ phim “Vũ công nhí đáng yêu” nên được xử lý như thế nào để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý văn hóa? Liệu có lại phải chấp nhận những sự giải thích rằng đây là một sự kiện mới, chưa kịp tiếp cận, tìm hiểu, hoặc do thiếu cơ chế quản lý phù hợp, khi mà tác động tiêu cực của bộ phim đang là một thực tế tồn tại gây hậu quả cho một bộ phận công chúng, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên Việt Nam?

Quyền lực mềm của các ông lớn phát hành

PV: Trước làn sóng kêu gọi tẩy chay bộ phim này, vẫn có những nhà làm phim Pháp ‘kêu oan’ cho bộ phim và xem ra họ không hoàn toàn vô lý. Có vẻ như, nền tảng trình chiếu trực tuyến bộ phim này đã có những can thiệp về mặt kỹ thuật. Đây cũng là một vấn đề cần lưu ý, đặc biệt khi xu hướng xâm nhập của các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này vào Việt Nam đang ngày càng rõ ràng, thưa ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Việc một số nhà làm phim Pháp “kêu oan’ là điều dễ hiểu. Bao giờ cũng có sự phân bua, giải thích để chống chế trước làn sóng phản ứng của xã hội. Thế nhưng, cũng có những điểm phải nhìn nhận một cách khách quan.

Bộ phim ra mắt tại Liên hoan phim Sundance, một liên hoan phim ở Mỹ từ tháng 1/2020. Khi trình chiếu, bộ phim được giới thiệu là kể lại câu chuyện về những đứa trẻ tuổi dậy thì đầy năng lượng, dễ bị tổn thương khi khám phá bản thân thông qua các điệu vũ bị coi là gợi dục.

Giải thưởng đã được trao cho bộ phim, dù đây chỉ là giải thưởng dành cho đạo diễn phim là bà Maïmouna Doucouré. Có thể thông cảm với mong muốn và ý định ban đầu của đạo diễn về chủ đề và giá trị tư tưởng của bộ phim. Tuy nhiên, trong thực tế, đối với các sản phẩm và sự kiện văn hóa văn nghệ thì hiện tượng “ý tại ngôn ngoại”, ý định một đường, tiếp nhận của xã hội lại một nẻo cũng là dễ hiểu và xảy ra khá nhiều.

Đặc biệt, thông qua poster và lời giới thiệu, Netflix đã có ý lái nhận thức về bộ phim theo hướng phản cảm, làm cho tiêu cực càng trở nên đậm nét hơn. Ở đây, theo quan điểm cá nhân tôi, các nhà quản lý cần phải chú ý tới yếu tố định hướng của Netflix. Phải chăng, khi xác định các nội dung giới thiệu, Netflix đã không thực sự quan tâm hướng người xem tới các yếu tố nhân văn, làm tốt vai trò trung gian đưa tinh thần của bộ phim, ý đồ của đạo diễn đến với khán giả, mà đặt nặng vấn đề về lợi nhuận, đưa yếu tố kinh doanh, lợi nhuận lên hàng đầu?

Vấn đề đặt ra ở Việt Nam, trên hết và trước hết là phải có ngay thái độ của người quản lý, các nhà văn hóa đối với bộ phim “Vũ công nhí đáng yêu”. Đây là thái độ và sự ứng xử thực sự cần thiết nhằm bảo vệ nền văn hóa truyền thống và đặc trưng văn hóa của Việt Nam, không để bị hòa tan, bị xâm lấn. Nếu chậm trễ trong quản lý thì điều Netflix đang làm với “Vũ công nhí đáng yêu” có thể cũng sẽ được các doanh nghiệp phát hành phim trực tuyến khác làm: chiều lụy và định hướng theo thị hiếu tầm thường nhằm mục tiêu lợi nhuận tối đa.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Netflix có 300.000 thuê bao tại thị trường Việt Nam. Sức ảnh hưởng của dòng phim ảnh, dòng văn hóa loại này cần phải được tính đến một cách thực sự nghiêm túc và kịp thời, không thể chậm trễ bởi vì càng chậm trễ thì hậu quả của nó với giới trẻ Việt Nam, xã hội Việt Nam là không hề nhỏ, không thể tính đếm được.

Xin nói thêm, ngoài Netflix, trong số các doanh nghiệp nước ngoài, nhóm các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc được chống lưng bởi các đại gia công nghệ là Tencent và Baidu cũng đang có những chiến lược và giải pháp để xâm nhập vào thị trường văn hóa Việt Nam. Ngoài vấn đề văn hóa, những chiến lược kinh doanh và phi kinh doanh cũng phải được lưu tâm đúng mức. Dư luận đã từng bức xúc với những bộ phim có hình ảnh và nội dung vi phạm chủ quyền của Việt Nam được phát sóng trên các nền tảng trực tuyến này. Nếu sự lấn sân của các doanh nghiệp Trung Quốc và một số nước khác vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ hơn thì chúng ta phải lường trước và có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những vấn đề phức tạp hơn, hậu quả phức tạp hơn.

Xin nhấn mạnh trở lại, đây là một mặt trận, một mặt trận hết sức quan trọng trong điều kiện hiện nay, không thể xem thường được.

Chọn cách đối trọng nào?

PVNhư vậy có thể hiểu, chúng ta đang mở rộng cánh cửa cho văn hóa ngoại xâm nhập, nhưng thực tế thì phần lớn lại chiều lụy theo nhu cầu của một bộ phận giới trẻ, mà tốt ít xấu nhiều. Nếu chỉ xét riêng trong lĩnh vực điện ảnh, khả năng phòng vệ của chúng ta yếu kém hay do doanh nghiệp Việt chưa đủ mạnh?

Ông Lê Hồng Sơn: Như trên đã nói, căn nguyên gốc rễ nằm ở chỗ nội lực của nền văn hóa Việt Nam. Giải pháp thì có khá nhiều.

Trong một số năm qua, bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường, chúng ta đã thấy khá rõ những ảnh hưởng tiêu cực đối với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Có thể nói, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã bị lung lay tới mức đổ vỡ hoặc đe dọa bị đổ vỡ.

Ngay cả mối quan hệ tưởng như bền chắc nhất là gia đình (vợ chồng, cha mẹ, con cái) cũng đang đối diện với nhiều thách thức. Chúng ta đang phải chứng kiến ngày càng nhiều những vụ việc đau lòng như con hành hạ, đánh đập, rủa cha mắng mẹ, cha mẹ già yếu bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa… Đây là những hiện tượng rất trái với truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Việc tiếp nhận văn hóa ngoại lai thiếu lựa chọn, thiếu chắt lọc sẽ chỉ tạo nên sự hỗn độn, phức tạp hơn. Đây là một vấn đề vừa có ý nghĩa trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Bên cạnh các biện pháp quản lý, các nhà quản lý văn hóa cần hết sức chú ý, quan tâm tới các giải pháp phát triển các sản phẩm phim ảnh, văn hóa của Việt Nam, tạo ra sức đề kháng, sức sống nội tại chống lại các ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai.

Các doanh nghiệp Việt Nam, khi sản xuất và trình chiếu các sản phẩm văn hóa ở Việt Nam cần nhận được sự quan tâm thích đáng. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh, trình chiếu các sản phẩm phim ảnh cũng cần nhận được sự quan tâm đúng mức thì mới tồn tại và hoạt động một cách có hiệu quả được.

Tiếp cận theo hướng này, một vấn đề không thể không nói tới, đó là tạo sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đó là việc xác định nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ đóng góp của các doanh nghiệp truyền thông nước ngoài khi vươn bàn tay vào thị trường Việt Nam, vào không gian mạng Việt Nam. Lâu nay, đây là một lĩnh vực đang có khá nhiều lúng túng trong việc xác định mức thuế và nghĩa vụ đóng thuế của các doanh nghiệp truyền thông nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam.

Đơn cử với trường hợp Netflix, dù có thị phần 300.000 thuê bao, với doanh thu hàng năm ước tính 30 triệu USD nhưng không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, không phải nộp thuế giá trị gia tăng và đặc biệt không chịu quản lý như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước về mặt nội dung phát sóng. Doanh nghiệp cũng không phải chịu thuế doanh thu quảng cáo phát sinh khi đưa những quảng cáo vào các bộ phim được trình chiếu. Rõ ràng, cơ chế quản lý đối với một doanh nghiệp như Netflix đang bị buông lỏng một cách quá đáng.

Có thể nói, bên cạnh những giải pháp quản lý về văn hóa, về sản phẩm mang tính văn hóa thì yếu tố quản lý khía cạnh kinh tế, nghĩa vụ thuế đối với các sản phẩm văn hóa nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam vào không gian mạng Việt Nam đang là vấn đề khá bức xúc, cần phải có phương án giải quyết càng nhanh càng tốt và không thể chậm trễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ hiện tượng “Cuties”, ngẫm chuyện buồn thị trường phim Việt