Những tháng đầu năm nay, trong khi nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi thì tình trạng lao động thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là vấn đề chất lượng đào tạo.
Gần 300.000 cử nhân thất nghiệp
Tại buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I-2015, tổ chức sáng 20/7, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, số lao động trên cả nước có việc làm là 52,43 triệu người, giảm hơn 1 triệu người so với 2014. Riêng 3 tháng đầu năm, cả nước có 1.159.800 người thất nghiệp, tăng 114.200 người so với cùng kỳ 2014, trong đó có đến gần 300.000 người tốt nghiệp đại học, trên đại học và cao đẳng chuyên nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, điểm đáng chú ý là nếu như mọi năm tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhức nhối nhất thì năm nay, nhóm thất nghiệp nhiều nhất rơi vào lực lượng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng và lao động không có bằng cấp, chứng chỉ.
Cụ thể, so với quý IV-2014, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp ở quý I năm nay tăng từ 165.600 người lên 177.700 người; số lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 74.700 người lên 100.600 người; số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp tăng từ 600.500 người lên 726.100 người. Ngoài ra, nhóm lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp ở quý I năm nay cũng tăng. Đó là chưa kể số thất nghiệp tăng trong bối cảnh tổng lực lượng tham gia thị trường lao động đang giảm (từ 77,7% năm 2014 xuống 77,4% trong quý I năm 2015) do sự già hóa và tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại.
Về nguyên nhân của thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp lý giải: một là do phương pháp tính, đo đạc có sự điều chỉnh; hai là tỷ lệ lao động thất nghiệp không phản ánh, nói lên toàn bộ bức tranh của thị trường lao động trong nước.
Mỗi năm có hơn 200.000 cử nhân tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ trong cả nước
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích, bên cạnh chỉ số về số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm thì điều quan trọng không kém là chỉ số về số giờ lao động trung bình của người lao động có việc làm trong 1 tuần. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số này tăng 2,2 giờ, cho thấy một tín hiệu khởi sắc hơn song vẫn rất đáng lo ngại. Ở các nước, có thể tỷ lệ thất nghiệp của họ lên đến 9-10% nhưng 90% có việc làm còn lại đều có thời gian làm việc trung bình rất cao theo quy định, còn ở nước ta dù tỷ lệ thất nghiệp nhiều năm nay duy trì chỉ 2-3% song thời gian làm việc trung bình của số lao động có việc làm rất thấp. Số giờ làm việc bình quân của nhóm “lao động thiếu việc làm” chỉ đạt 24,46 giờ/tuần, tức bình quân mỗi tuần 1 lao động chỉ làm việc trong 3 ngày (mỗi ngày làm 8 tiếng), bằng 50% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước.
Chất lượng đào tạo và năng suất lao động còn thấp
Bên cạnh đó, cũng theo các báo cáo của ngành lao động và thống kê thì tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam hiện tại dưới 5%, được đánh giá con số khá lý tưởng ở các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên nếu lấy lực lượng lao động được đào tạo là cử nhân, thạc sĩ bị thất nghiệp trên tổng số lao động có trình độ tương đương (chiếm 4,14%) thì vấn đề đặt ra ở đây trước hết là chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo. Báo cáo đã chỉ rõ, phải chăng chất lượng đào tạo Đại học và sau Đại học đang có vấn đề chưa gắn với nhu cầu xã hội?
Đã từng có cuộc khảo sát về chất lượng phỏng vấn tại một trong các trường hàng đầu ở TP. Hồ Chí Minh về kỹ sư công nghệ thông tin đã cho kết quả đáng ngại khi tỷ lệ phỏng vấn đạt yêu cầu chỉ chiếm chưa tới 10% trong tổng số ứng viên. Mới đây, trong cuộc hội thảo về công nghiệp phụ trợ do UBND TP.HCM tổ chức có sự tham dự của các khu chế xuất, khu công nghệ cao và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và các hội đoàn nước ngoài như Jetro, Kotra… cũng đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng nguồn nhân lực đã và đang là một rào cản nghiêm trọng thứ hai trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ.
Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới tại Việt Nam (ILO), ông Gyorgy Sziraczki đã nhận xét: chất lượng việc làm và năng suất lao động có được ở Việt Nam đang ở mức rất thấp.
Trước thực trạng thất nghiệp của đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện KHLĐXH Nguyễn Bá Ngọc cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.
Cùng với con số thất nghiệp, các số liệu về cung lao động, tiền lương, thất nghiệp, thiếu việc làm, bảo hiểm thất nghiệp,… Thứ trưởng Bộ LĐ&TBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, bằng nguồn số liệu thực tế này sẽ giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến động kinh tế đến lao động trong cả nước, trong từng vùng, cũng như từng tỉnh, thành phố nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp trong từng giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, giúp các Bộ, ngành, các tổ chức có liên quan nghiên cứu chuẩn bị nhân lực đáp ứng nhu cầu của Bộ, ngành và quốc gia; giúp các doanh nghiệp nghiên cứu quyết định đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, đồng thời giúp cho người lao động có định hướng nghề nghiệp, các trường học cũng như các em học sinh có sự lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Những điểm sáng
Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, bên cạnh những khó khăn thì bức tranh thị trường lao động cũng đang có những điểm sáng lên. Đó là số lao động làm công ăn lương, đóng bảo hiểm xã hội gia tăng, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn.
Dự báo những tháng cuối năm nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường lao động cũng “ấm” hơn. Những ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh trong nửa cuối năm nay bao gồm: sản xuất trang phục, sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị…
Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm sẽ đến nhiều hơn với lao động. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch.
Bên cạnh đó, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng. Luật Việc làm có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và quốc tế.