Từ chuyện người cha nuôi 2 con teo não, ngẫm chuyện cái tâm của nhà sản xuất

Hà Thu| 19/05/2017 19:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện của người cha đi thi hát, bán kẹo và một mình nuôi hai cậu con trai bị bệnh teo não lại thêm một bài học nữa về niềm tin và lòng trắc ẩn của con người.

Những ngày qua, liên tục các thông tin về anh Đặng Hữu Nghị, người cha đi thi hát với câu chuyện cảm động về cuộc sống mưu sinh với cảnh “gà trống nuôi con”, mà cả hai cậu con trai đều mắc bệnh teo não. Những tưởng câu chuyện dừng lại ở lòng trắc ẩn của con người trong xã hội hiện đại khi mà rất nhiều mạnh thường quân và cả những người bình thường đã gọi điện, động viên và sẵn sàng bỏ tiền để giúp đỡ ba cha con anh Nghị. Đúng như truyền thống của dân tộc ta, “lá lành đùm lá rách”, một lần nữa, câu chuyện về một hoàn cảnh bất hạnh lại được mọi người giang rộng tay giúp đỡ…

Từ chuyện người cha nuôi 2 con teo não, ngẫm chuyện cái tâm của nhà sản xuất

Người cha bên hai cậu con trai bị bệnh teo não

Thế nhưng, câu chuyện lại rẽ ngang sang một ngã khác khi người mẹ của hai đứa con tật nguyền và là người vợ của anh Nghị bất ngờ lên tiếng  ngay tại thời điểm các mạnh thường quân xếp hàng dài trước ngôi nhà của ba cha con anh ở quận Bình Chánh, TP HCM. Chị lên tiếng để nói ra một sự thật mà ai cũng phải bất ngờ và cảm thấy niềm tin gần như bị tan ra. Hóa ra, người phụ nữ ấy đâu phải bỏ con lại cho một mình anh. Sau những lời chỉ trích từ phía mọi người, thậm chí cả của bố mẹ ruột, chị đã lên tiếng chỉ để mọi người biết sự thật. Cũng như anh Nghị, chị cũng mang bệnh trong người, chị phải rời xa anh khi đang mang trong mình đứa con thứ 3….Có lẽ vì cả hai quá khổ, vì họ không thể sống cạnh nhau nữa. Nhưng những đứa con vẫn là cầu nối cho cả hai.

Anh Hữu Nghị, một người cha đau khổ, cũng vì khổ quá mà anh đã thêm thắt cho câu chuyện cuộc đời của mình để mong nhận được sự giúp đỡ từ mọi người. Là bởi "Tôi thất học, nên không biết nói như vậy về vợ là không tốt. Tôi mong dư luận có cái nhìn lại vợ tôi, người không hề bỏ con. Tôi xin lỗi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm". Anh Nghị đã khóc và gửi lời xin lỗi tới mạnh thường quân và khán giả cả nước như thế sau khi câu chuyện được sáng tỏ.

Thôi không nhắc đến chuyện anh vẫn nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, chuyện anh đã thêm thắt cho câu chuyện của mình, bởi những ngày qua, tôi tin, cả gia đình anh đã nhận nhiều phản ứng của dư luận rồi, điều quan trọng hơn cả ở đây chính là ở phía nhà đài, phía nhà sản xuất của chương trình Hát mãi ước mơ, cuộc thi mà anh Nghị và cả gia đình anh “lên sóng”.

Hẳn chúng ta còn nhớ, ngay cả Đài truyền hình quốc gia- VTV cũng đã có những sai xót tương tự. Hồi tháng 12/2003, những sai sót về kết quả đoàn tụ của các nhân vật trong “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã được nhà báo Thu Uyên và ekip lý giải là hoàn toàn “không cố tình ngụy tạo một cuộc đoàn tụ để lấy nước mắt khán giả”.

Tiếp đó, trong chương trình Điều ước thứ 7, câu chuyện tình yêu cảm động của cô gái mù Nguyễn Như Đào và chàng trai tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Nguyễn Nhật Thanh phát sóng đã lấy đi nhiều nước mắt cho người xem. Chỉ đến khi thông tin anh Thanh đã có một vợ hai con và cũng chưa từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sau đó khiến mọi người và nhiều mạnh thường quân ngã ngửa.

Hậu quả, ekip của VTV đã phải xin lỗi khán giả. Án nặng hơn, “Điều ước thứ 7” - một chương trình nhân văn giành nhiều thiện cảm đã bị dừng phát sóng, mà theo VTV: “Nguyên nhân là do những người thực hiện chương trình đã không thực hiện đúng quy trình thẩm tra thông tin, phát sóng thiếu cẩn trọng, thiếu chặt chẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.

Sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, của khán giả từ khắp mọi miền Tổ Quốc là có thật, chỉ có câu chuyện của nhân vật đã bị làm sai lệch đi. Nước mắt của khán giả là có thật, nhưng nó chỉ có thể rơi một lần. Khi đã mất đi niềm tin, khán giả sẽ quay lưng lại, sẽ không còn tin, thậm chí có thể tảy chay chương trình, từ đây truyền thông bị giảm sút uy tín. Đây mới là điều đáng lo ngại khi các đài, cánh báo chí, truyền thông khai thác những số phận, những nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt.

Vốn con người dễ đồng cảm, cảm thông và chia sẻ trước những số phận như anh Nghị nhưng khi sự thật không còn nguyên vẹn, người ta cũng lại dễ dàng quay lưng lại. Trong câu chuyện của anh Nghị, giữa tâm bão chửi bới người cha tham lam, lừa lọc, người ta quên mất điều quan trọng nhất lúc này vẫn là số phận và tương lai của hai đứa trẻ bại não. Nhìn hai đứa trẻ ngây ngô, quậy phá, người ta hẳn sẽ thương hơn là giận.

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", để "gió cuốn đi". Thế nhưng, sự hảo tâm cũng phải được gửi trao đúng chỗ. Và giúp đỡ người có số phận kém may mắn không phải dễ dàng, chứ chưa dám nói đến hiệu ứng ngược lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ chuyện người cha nuôi 2 con teo não, ngẫm chuyện cái tâm của nhà sản xuất