Thiếu niên 14 tuổi, ở Yên Sơn (Tuyên Quang), dùng diêm tự chế pháo gây nổ, bỏng toàn bộ vùng đầu mặt và một phần chân tay.
Ngày 5/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn H.L. do bỏng vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay trái, chân trái, vùng bỏng đau rát, khó thở nhẹ, 2 mí mắt sưng nề.
Theo lời kể của gia đình, em ở nhà nghịch diêm, tự chế pháo. Khi nghe tiếng nổ, gia đình mới phát hiện và đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu làm sạch các vết thương, dùng các thuốc giảm đau, bù dịch, chống sốc, kháng sinh, xét nghiệm cận lâm sàng… sau đó được chuyển vào Khoa Chấn thương chỉnh hình để được điều trị bỏng chuyên sâu.
BS Nguyễn Tài Tuệ - Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, bệnh nhi bị bỏng toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ (độ II, III), bỏng tay trái và chân trái. Sau 4 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định, không sốt, đỡ đau vùng bỏng và rất may vùng giác mạc không bị tổn thương.
Theo BS Tuệ, trong những ngày giáp Tết, trẻ vị thành niên thường hiếu động có thể làm theo hướng dẫn trên các trang mạng, tự chế tạo làm pháo bằng diêm hoặc bằng một số chất dễ gây cháy nổ rất nguy hiểm. Khi pháo nổ sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, thường gặp ở các vị trí đầu, mặt, cổ, tay… có thể gây phù nề, cản trở hô hấp, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp.
Bỏng vùng mặt cổ có thể để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Vì thế, nhà trường - gia đình cần giáo dục và phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
Bác sĩ khuyến cáo nếu nạn nhân bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt đắp vào mặt. Nếu bị bỏng ở người, chân, tay... cần ngâm bộ phận bị bỏng vào nước mát hoặc xả nhẹ vòi nước sạch (vào vùng bỏng) ít nhất 15 phút. Việc này có tác dụng làm giảm độ sâu của bỏng và giảm cảm giác đau đớn.
Nếu quần áo dính vào vết bỏng thì tuyệt đối không gỡ ra vì sẽ làm rách vùng da bị bỏng, gây khó khăn cho quá trình trị liệu.
Không được bôi hóa chất (dầu gió, nước vôi), kem đánh răng, nhựa chuối, nước mắm, mỡ trăn và đặc biệt là thảo dược không rõ nguồn gốc vào vùng bị bỏng vì có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng hơn.
Nếu bị bỏng ở mắt do hóa chất bắn vào thì phải rửa mắt ngay bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất càng sớm càng tốt, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.